Tiêu điểm

Bảo vệ rừng phòng hộ ven biển ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 09/08/2024 | 15:49

Rừng phòng hộ ven biển được xem là lá chắn thép tự nhiên ngăn chặn xâm thực, xói lở, bảo vệ các khu vực ven biển. Vì vậy, việc trồng mới và phát triển, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp quan trọng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Lực lượng kiểm lâm và đoàn viên - thanh niên trồng cây khôi phục rừng phòng hộ ven biển.

THỰC TRẠNG RỪNG PHÒNG HỘ VEN BIỂN

Khu vực ven biển Bạc Liêu có tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh và sinh kế của hơn 100.000 người dân. Song, đây cũng là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, xâm nhập mặn. Gần đây, sạt lở bờ biển, đê biển do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn gây thiệt hại ngày càng nặng nề. Trong khi đó, rừng phòng hộ ven biển một số đoạn thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) và xã Long Điền Tây, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) mất đi cũng khiến cho tình trạng sạt lở ngày thêm nghiêm trọng.

Để bảo vệ và phát huy lợi ích của rừng, tỉnh đã duy trì, ổn định diện tích đã giao khoán rừng, đất rừng cho 400 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với diện tích 3.089ha. Đồng thời, quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ ven biển hơn 4.314ha. Những năm qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành liên quan, địa phương, đặc biệt là Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, gia tăng chức năng phòng hộ chắn gió, chắn sóng, chống xói lở ven biển, góp phần ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và bảo vệ người dân sống ven biển.

Sạt lở rừng phòng hộ khu vực huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Giai đoạn 2025 - 2030, ngoài phục hồi 20ha rừng phòng hộ ven biển, Bạc Liêu sẽ xây dựng một vườn ươm cây giống diện tích 3ha tại xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải); phát triển 1.200ha mô hình nuôi tôm kết hợp nuôi cua, sò huyết dưới tán rừng; phát triển mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn rừng phòng hộ ven biển xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); thiết lập mô hình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, mở 30 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống trong rừng, ven rừng (hộ nhận khoán rừng)...

Theo đó, các địa phương sẽ tập trung đầu tư trồng rừng phòng hộ, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai. Xây dựng và phát triển rừng ngập mặn và hành lang đa dạng sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và giá trị đa dạng sinh học. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đảm bảo hiệu quả bền vững; hài hòa giữa lợi ích quốc gia với địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, môi trường, ứng phó với BĐKH.

Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học - công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với BĐKH, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh. Ưu tiên thực hiện chương trình, dự án phát triển “phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai” thích ứng với BĐKH; tăng trưởng xanh.

MINH ĐẠT

 

Lợi ích của Dự án phục hồi rừng ngập mặn

Mới đây, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và nhà tài trợ Quỹ Coca-Cola tổ chức khởi động Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua phục hồi rừng ngập mặn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Dự án). Báo Bạc Liêu xin trích một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề này.

* Tiến sĩ Andrew Wyatt - Phó Giám đốc IUCN khu vực hạ lưu sông Mekong

IUCN đã tổ chức khởi động Dự án tại Bạc Liêu với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Coca-Cola. Dự án nhằm giải quyết tình trạng thu hẹp vùng bờ và sự suy giảm khả năng phục hồi vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Thông qua đó, khôi phục rừng ngập mặn phía sau đê biển, nơi canh tác thủy sản của các hộ dân. Khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn, cùng ứng dụng các giải pháp công nghệ, đặc biệt là hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, thích ứng dung hòa dựa vào tự nhiên trong bối cảnh nuôi tôm nhiều rủi ro như hiện nay...

* Tiến sĩ Phạm Trọng Thịnh - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ

Tuy diện tích thực hiện từ Dự án của IUCN không lớn (9ha) nhưng sẽ khôi phục rừng ngập mặn ở huyện Hòa Bình và Đông Hải. Dự án được thực hiện tại Bạc Liêu trong 3 năm (2024 - 2026). Theo đó, sẽ hỗ trợ, cung cấp chi phí, vốn cho 23 hộ gia đình, bao gồm thiết bị RAS, cây giống rừng ngập mặn và công tác đào đất để thiết lập lại chế độ nước tuần hoàn tự nhiên. Rừng được phục hồi sẽ tạo lá chắn sinh học, giảm nhẹ các thiệt hại do gió, bão, nước biển dâng, bảo vệ các cộng đồng và cơ sở hạ tầng, giảm xói lở bờ biển. Đồng thời, tăng lượng tích lũy các-bon, giảm nhẹ các tác nhân gây BĐKH và nước biển dâng; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững...

* Ông Hồ Minh Phong - đại diện GIZ

Dự án thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới sáng tạo trong các mô hình nuôi tôm bền vững ứng dụng các cải tiến kỹ thuật trong nuôi tôm rừng. Những giải pháp kỹ thuật về cải thiện chất lượng nước trong nuôi tôm rừng giúp giảm rủi ro dịch bệnh và cải thiện tốc độ tăng trưởng của tôm. Điều này thúc đẩy phát triển sinh kế cho người dân và góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn....

NHẬT MINH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.