Thể thao
Không ngại hy sinh V-League để chống tiêu cực bóng đá
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra thông điệp cứng rắn đối với những hiện tượng tiêu cực ở các giải vô địch quốc gia (VĐQG). VFF cho biết không chạy theo thành tích, sẵn sàng làm mạnh để trong sạch bóng đá Việt Nam.
Trong khoảng nửa năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam liên tiếp chứng kiến 2 vụ bán độ, một ở CLB The Vissai Ninh Bình và mới nhất là ở CLB Đồng Nai. Số lượng cầu thủ liên quan trong cả hai vụ việc đều rất đông. Rất trùng hợp khi các vụ việc trên đều xảy ra sau khi VFF tiến hành đại hội, thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Về điểm này, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch VFF cho biết: “Chuyện tiêu cực trong bóng đá Việt Nam thật ra tồn tại từ lâu rồi, vấn đề là đến bây giờ chúng ta mới quyết liệt làm. Một số người vừa qua đặt vấn đề với tôi, là làm như vậy liệu có ảnh hưởng đến sự thành công của giải đấu không, rồi lo vỡ giải. Tôi khẳng định luôn là VFF sẽ không chạy theo thành tích mà xuê xoa đối với tiêu cực. Cá nhân tôi chỉ sợ nạn cá độ bất hợp pháp còn tồn tại, khiến bóng đá Việt Nam không phát triển được, chứ không sợ vỡ giải. Một đội liên quan thì xử lý một đội, còn trường hợp xấu nhất nhiều đội tiêu cực thì chúng tôi chấp nhận làm lại”.
Liên quan đến vụ việc của Đồng Nai, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - Phạm Ngọc Viễn cho biết, VPF hiện đang chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra trước khi ra quyết định đình chỉ thi đấu với các cầu thủ tiêu cực. Cũng theo ông Phạm Ngọc Viễn, kết quả trận đấu giữa Than Quảng Ninh với Đồng Nai vẫn được giữ nguyên. Lý do bởi CLB Than Quảng Ninh đã thi đấu hết khả năng và giành chiến thắng xứng đáng.
P.B.T (theo bongdaplus.vn)
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025