Thể thao
Karl-Heinz Weigang: Người ơn của bóng đá Việt Nam
Karl-Heinz Weigang là một người đặc biệt. Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam (BĐVN) những năm 1995 - 1997 vẫn gọi ông bằng thầy thay vì HLV như nhiều chuyên gia ngoại khác sau này.
HLV Weigang cùng với các tuyển thủ chuẩn bị cho Tiger Cup 1996. Ảnh: T.L
Vị trí của ông trong lịch sử bóng đá Việt Nam thường được xem là “Người tiên phong”, “Người khai phá” nhưng chính xác, phải gọi ông là “Người ơn”.
Cái ơn đầu tiên của vị chuyên gia người Đức, chính là chiếc HCB SEA Games 1995. Suốt 22 năm qua, đến bây giờ BĐVN vẫn mải miết đi tìm “vàng”. Chừng đó thôi cũng đủ nói lên tầm vóc lịch sử mà thầy trò của ông Weigang đã làm. Thế hệ làm nên thành công đó, được gọi là “Thế hệ vàng”. Ông thầy của họ, đương nhiên là một tượng đài.
Một năm sau, “thầy Weigang” lại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành HCĐ Tiger Cup 1996. Đấy là một kỳ giải có rất nhiều sự kiện của đội tuyển, như câu chuyện về "cành khế quê hương”, hay chuyện ông Weigang nổi cơn thịnh nộ, yêu cầu Ban tổ chức sân phải mở cổng chính cho đội tuyển Việt Nam vào thay vì đi bằng cổng phụ. Đó chính là cái ơn thứ hai. Chuyên gia người Đức đã dạy cho các cầu thủ bài học về niềm tự hào Tổ quốc, khơi gợi nên một trong những yếu tố quan trọng nhất của BĐVN, đó là tinh thần “màu cờ, sắc áo”. Những khái niệm đó luôn tồn tại, nhưng biến nó thành sức mạnh để thay đổi bóng đá Việt, thì khởi đầu chính từ Karl- Heinz Weigang.
Công lao của ông không chỉ dừng lại ở đó… Chỉ tiếc là chúng ta chưa bao giờ có những đánh giá một cách nghiêm túc, đặt các vấn đề dưới góc độ nghiên cứu để xác định vai trò của ông Weigang trong tiến trình lịch sử. Những nguyên tắc về kỷ luật trong tập luyện, yếu tố thể lực, tính khoa học trong thi đấu như những cú tắc bóng gầm thấp, truy cản từ phía sau, tranh chấp bước một… đều rất mới mẻ khi “thầy” Weigang huấn luyện lúc bấy giờ. Vậy mà cho đến nay, sau hơn 2 thập niên, bóng đá Việt vẫn cứ “bì bõm” trên những điều căn bản như vậy.
***
Karl-Heinz Weigang là một nhân vật rất đặc biệt trong biên niên sử BĐVN khi ông làm HLV của 2 thời kỳ lịch sử đất nước và những thành công của ông đều là đỉnh cao của từng giai đoạn ấy. Chiếc cúp Merdeka năm 1966 của đội tuyển Miền Nam khi đó có giá trị không kém gì chức vô địch Asian Cup hiện nay. HCB SEA Games 1995 là danh hiệu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Hai chiến công đó gắn liền với những tên tuổi huyền thoại trên sân cỏ cũng như sản sinh vô số nhà cầm quân xuất sắc nhất của bóng đá Việt như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Trần Công Minh… Có thể nói, Weigang là “Thầy của những ông thầy”.
Nhớ Weigang, là nhớ đến một trong những chuyên gia nước ngoài đã đến với BĐVN. Họ đã đến, khai phá tiềm năng, họ là những người “truyền giáo” những tinh hoa của bóng đá thế giới. Họ tạo nên những cuộc cách mạng về thành tích cũng như phương pháp huấn luyện. Họ đã xây cả một nền móng vững chắc cho BĐVN. Thế nhưng, những công trình được xây trên nền móng ấy vẫn còn dang dở. Sau nỗi buồn về sự ra đi của một người như Karl- Heinz Weigang, là những tiếng thở dài cho hiện tại.
Vĩnh biệt ông, người ơn của bóng đá Việt!
P.B.T (theo SGGPO)
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy