Thanh thiếu niên

Góc bạn trẻ

​Đừng chạy theo hào nhoáng nhất thời

Thứ Hai, 23/08/2021 | 16:24

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không ít lần trong danh sách bạn bè của tôi hiện lên tin nhắn than vãn kẹt tiền, thiếu thốn, thậm chí còn hỏi mượn. Tôi nhìn lại, trong số đó rất ít bạn khó khăn vì hoàn cảnh mà phần lớn là do cách sống của họ.

Có nhiều cách sống khác nhau, trong đó có người đã lựa chọn sống hết mình, theo đuổi đam mê và tận hưởng hết tất cả những gì có thể. Ở đây “đam mê và tận hưởng” nên hiểu theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực.

Với thời đại 4.0 hiện nay cộng thêm bản tính muốn được thể hiện, nhiều người trẻ thích được khen, được chú ý. Và sự kết nối giữa người với người dễ dàng, nhanh chóng, đại trà hơn nhờ cái thế giới phẳng qua các trang mạng xã hội nên việc nâng cấp bản thân để đăng những bức ảnh ngàn like là điều không mấy xa lạ. Vì tâm lý chung, khi lướt mạng thấy ai đó có gì, ra sao thì mình cũng muốn được như thế, thấy được tâng bốc thì lại muốn được hơn và không muốn bị thụt lùi. Nên bao nhiêu thời gian, tiền bạc cứ đổ dồn vào đó, mua sắm vô tội vạ, đam mê hàng hiệu… mà đôi khi những thứ đó chỉ là niềm vui nhất thời.

Tôi có người bạn đã ngoài 30 tuổi rồi mà vẫn chưa ổn định. Vì suốt những tháng năm tuổi trẻ bạn không chịu đầu tư, tích cóp, cứ ăn chơi thâu đêm mỗi khi tan làm. Thỉnh thoảng là đi du lịch xa xỉ. Sau bao năm, mọi thứ đã phát triển thêm, lớp trẻ tiến lên, đồng nghiệp có người thăng chức, chuyển việc với mức lương cao, còn bạn vẫn dậm chân tại chỗ với một tư thế ù lì, chán việc. Bạn tâm sự “Cha mẹ tao già rồi lỡ mà có gì tao không biết xoay sở sao, phải chi tao biết tiết kiệm tiền lại, bớt mua sắm đồ hiệu, bớt nhậu nhẹt lại thì giờ cũng có một mớ vốn làm ăn. Dịch bệnh ở nhà tao mới thấm mày ơi!”.

Quả thật, trong một bài toán kinh tế, không chỉ là kiếm tiền mà còn phải chi tiêu sao cho hợp lý. Thông thường “tiểu phú do cần” là do họ sớm biết được bài học tiết kiệm trước khi chi tiêu, còn những người làm có tiền nhiều nhưng vẫn thiếu trước hụt sau là thường sau khi tiêu xài thì mới tiết kiệm.

Trái lại, cũng trong đợt giãn cách xã hội này, một số bạn bè, người thân của tôi vẫn sống thoải mái vì họ biết lo xa, luôn có quỹ dự phòng cho những tình huống không hay xảy ra. Đối với họ, thời gian ở nhà là dịp để họ đầu tư cho bản thân hiệu quả nhất về cả sức khỏe, chất xám và tinh thần.

Thế nên người trẻ à, hãy thực hành tiết kiệm ngay từ bây giờ. Tiết kiệm không đồng nghĩa ky bo, bủn xỉn, mà là những chuyện gì cần chi tiêu thì tiêu, còn không thật sự cần thiết thì thôi. Mỗi người hãy tự lập kế hoạch cho bản thân, đừng để tuổi trẻ trôi qua một cách nhạt nhẽo với những hào nhoáng nhất thời.

TRẦN NHƯ Ý

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.