Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Góp ý Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Ba, 06/05/2025 | 20:00

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Trong đó, Tổ số 6 gồm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Định và Hà Giang do đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu làm tổ trưởng.

ĐBQH - Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) góp ý về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, về thúc đẩy, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế (chương IV), đại biểu cơ bản thống nhất với các quy định này vì việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Khi các doanh nghiệp đổi mới quy trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ có thể tạo ra giá trị của sản phẩm, chất lượng của sản phẩm cũng được tốt hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bắt buộc các doanh nghiệp phải có những chiến lược, lên kế hoạch với các phương pháp quản lý tiên tiến, sử dụng công nghệ mới. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cải thiện hiệu suất hoạt động, ổn định giá thành, nâng cao nguồn lực cho doanh nghiệp.

Riêng đối với điều 9 Quy định về chấp hành rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới mới sáng tạo; đại biểu Ngọc Linh cho rằng, đây là quy định mới góp phần khuyến khích các cá nhân có nhiều ý tưởng sáng tạo, tạo sự đột phá, bứt phá trong các lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần phải có quy định cụ thể về các mức độ rủi ro, các lỗi rủi ro do khách quan, nhưng cũng có những lỗi rủi ro do chủ quan sẽ mang đến hậu quả cần phải có nguyên tắc quy định rõ ràng, cụ thể nhằm tránh sự lạm dụng của doanh nghiệp hay cá nhân nào đó trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo.

* Cũng liên quan đến Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khái niệm đổi mới sáng tạo nêu trong dự thảo Luật đang còn thiên về công nghệ, chưa bao quát hết các khía cạnh đổi mới sáng tạo phi công nghệ - nhất là đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận chiều ngày 6/5.

Qua tìm hiểu, có ý kiến chuyên gia chỉ ra một hướng tiếp cận để xử lý vấn đề này, đó là nhìn nhận về đổi mới sáng tạo: Đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý, dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế. Từ đó, đại biểu kiến nghị cần làm rõ vai trò của các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học… Đồng thời, cần thiết kế trong Luật một cơ chế tài chính linh hoạt, mang tính đột phá, nhằm huy động và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 57, trong đó nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại; hoàn thiện quan hệ sản xuất; đổi mới phương thức quản trị quốc gia; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

* Trước đó, sáng ngày 6/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo; đại biểu Trần Thị Hoa Ry - (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đánh giá, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, bao quát được những vấn đề cốt lõi, đưa ra được một số chính sách mới đột phá, thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại nghị trường sáng ngày 6/5.

Liên quan đến quyền của nhà giáo, Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc nhà giáo có quyền được từ chối thực hiện công việc không đúng vị trí việc làm và hợp đồng đã ký với cơ sở giáo dục; xem xét, bổ sung quyền của giáo viên trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh và điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp thực tế; hạn chế các can thiệp hành chính mang tính áp đặt như bắt buộc sử dụng sách giáo khoa cụ thể; tạo hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp. Đối với quy định về đạo đức nhà giáo (Điều 10) đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “cơ chế phản ánh vi phạm đạo đức” để có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh và xã hội, cũng như của các cơ quan có thẩm quyền. Đối với quy định về Bộ quy tắc ứng xử, đại biểu kiến nghị cần có điều chỉnh theo từng cấp học và bối cảnh thực tế nhằm định khung rõ ràng, tiêu chí đánh giá cụ thể hơn về chuẩn đạo đức nhà giáo, tránh sử dụng các cụm từ chung chung không định lượng được. Ngoài ra, đại biểu Hoa Ry còn đóng góp liên quan đến các quy định về tuyển dụng nhà giáo (Điều 14); điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập (Điều 19) và về chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo (Điều 27), trong đó đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng giáo viên dạy tiếng dân tộc là đối tượng được hưởng chính sách thu hút trọng dụng của nhà giáo.

Tin, ảnh: K.P - T.THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.