Quốc tế

Vì sao Nga triển khai quân ở Bắc Cực?

Thứ Hai, 27/02/2012 | 09:28

Ngày 21-2-2012, một quan chức cao cấp của quân đội Nga cho biết, Mátxcơva đã lên kế hoạch triển khai lữ đoàn cơ giới hóa đầu tiên tại Bắc Cực vào năm 2015. Lữ đoàn này sẽ được trang bị xe chuyên chở vũ khí đa dụng MT-LBV.

Trước đó, Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev đã kêu gọi áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích Nga tại Bắc Cực vào năm 2020. Vì thế, dư luận quốc tế rất quan tâm đến những động thái mới này của Nga.

Khẳng định chủ quyền

Ngay từ năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga cũng từng thông báo, sẽ thành lập hai lữ đoàn Bắc Cực tại Murmansk hoặc Arkhangelsk ở miền bắc nước Nga.

Trong một cuộc họp báo mới đây, tư lệnh lục quân Nga, tướng Alexander Postnikov cho biết: “Lục quân sẵn sàng thành lập những lữ đoàn Bắc cực trong tương lai gần, nhưng để đạt được tính cơ động và bảo vệ lợi ích tối ưu, trước hết họ cần nhận đủ các trang thiết bị chuyên dụng”.

Ngày 7-2, Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố cần tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Nga và củng cố biên giới nước này tại Bắc Cực. Ông nói: “Những biện pháp bổ sung nên được thực hiện nhằm bảo vệ các quyền lợi của Nga tại một số khu vực của thế giới vốn cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, bao gồm khu vực Bắc Cực, cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật ở đó”.

Ông cho biết thêm, Lực lượng bảo vệ biên giới (FSB) sẽ được nâng cấp và cung cấp các trang thiết bị hiện đại. Năm 2020, Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Cực, bao gồm các đơn vị quân đội, biên phòng và tuần dương hạm nhằm bảo đảm an ninh quân sự của Moscow trong bối cảnh chính trị và quân sự đa dạng như hiện nay.

Theo số liệu của “Viện nghiên cứu các vấn đề dầu và khí”, Nga sẽ khai thác được khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2030. Nga hiện đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu km2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này.

Chia phần Bắc Cực

Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 10% dự trữ dầu thế giới và 25% trữ lượng chưa được khám phá, tương đương khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.699 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên và khoảng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng.

Ở trung tâm biển Barents tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ lượng khoảng 3,7 ngàn tỷ mét khối khí đốt và 31 triệu mét khối khí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong bảy năm.

Do khối lượng băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh hơn dự kiến, dẫn tới khả năng phát triển của một số tuyến đường biển mới đi qua Biển Bắc đến bờ biển phía Đông của Châu Á và bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ.

Tháng 8-2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển dầu và khí hóa lỏng cho Trung Quốc và tiến sát bờ biển Bắc Cực. Theo tính toán, tuyến đường này nhanh gấp hai lần so với các tuyến đường đi qua kênh đào Suez và tiết kiệm được khoảng 15% chi phí.

Tờ “Weekly Argument News” Nga gần đây đưa tin, “cuộc chiến” tranh giành tài nguyên khoáng sản giữa các nước lớn trên thế giới trong 10 năm tới sẽ càng quyết liệt hơn, trong đó Bắc Cực có thể sẽ là một điểm nóng.

Để tranh giành lãnh thổ và tài nguyên Bắc Cực với các nước Mỹ, Canada, Na Uy… Nga bắt đầu tích cực triển khai lực lượng Hải, Lục, Không, quân ở khu vực xung quanh Bắc Cực, nhằm giành được thế chủ động và nắm bắt thời cơ.

Trung Quốc, nước cách xa Bắc Cực, gần đây cũng rất tích cực khảo sát khoa học đối với Bắc Cực, hơn nữa còn có hoạt động mang tính ứng dụng quân sự, dù cho Trung Quốc không phải là quốc gia Bắc Cực, không có chủ quyền lãnh thổ ở đây.

Răn đe đối thủ

Theo báo Nga, các căn cứ của Hạm đội Biển Bắc đều bao quanh Bắc Cực, tổng cộng đã có hơn 30 tàu ngầm chiến lược, chiến thuật và đặc chủng, cộng với tàu ngầm hạt nhân.

Trung tâm của hạm đội là một tàu sân bay, hai tàu tuần dương hạm trang bị tên lửa động cơ hạt nhân hạng nặng và nhiều tàu tên lửa, khu trục, săn ngầm, đổ bộ và quét mìn.

Không quân Nga triển khai ở Bắc Cực với hơn 100 máy bay tác chiến và máy bay trực thăng, bao gồm: MiG-31, Su-27, Su-24MR, Mi-24 và Mi-8.

Toàn bộ binh lực của lực lượng không quân của Hạm đội Biển Bắc cũng tập trung ở phía Bắc. Các trung đoàn phòng không - không quân, tên lửa S-300 cũng được bố trí ở khu vực này.

Với khu vực Bắc Cực, Lục quân Nga đã có một lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập, được triển khai ở Pechenga. Một lữ đoàn lính thủy đánh bộ được triển khai tại bán đảo Kola.

Báo Nga cho biết, căn cứ vào kế hoạch, bắt đầu từ năm 2012, trên nền tảng Lữ đoàn 200, Quân đội Nga sẽ thành lập Lữ đoàn bộ binh cơ giới nhẹ đặc biệt đầu tiên ở Bắc Cực, đồng thời lấy khu vực Viễn Đông làm căn cứ huấn luyện cho các sĩ quan của lực lượng Bắc Cực.

Báo Nga cho biết, các cường quốc quân sự chính trên thế giới tham gia “cuộc chiến” Bắc Cực là Nga và Mỹ. Tuy nhiên, lực lượng Lục quân của Mỹ ở khu vực này cũng không mạnh, chỉ có hai lữ đoàn: một lữ đoàn cơ động trên không và một lữ đoàn bộ binh cơ giới Stryker và tăng thêm một trận địa phòng thủ tên lửa quan trọng ở Alaska.

Để bảo vệ trận địa này, Mỹ đã triển khai cụm chiến đấu không quân gồm có: hai đại đội F-22A, một đại đội F-15C, hai đại đội F-16C; một đại đội máy bay cảnh báo sớm và hơn 100 máy bay chiến đấu.

Canada, một đồng minh Bắc Cực của Mỹ, là nước có lãnh thổ lớn thứ hai thế giới, có tuyến đường bờ biển ở Bắc Cực dài nhất, nhưng Canada chỉ có 60 nghìn quân.

Các nước Bắc Âu cũng có tham vọng tranh chấp Bắc Cực, đặc biệt là Na Uy. Trên thực tế, việc xây dựng lực lượng của Hải, Lục, Không quân Na Uy đều được triển khai sẵn sàng tác chiến ở khu vực này.

Như vậy, với tiềm năng dầu mỏ và khí đốt - Bắc Cực đã dần trở thành “điểm nóng” khu vực. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược năng lượng sắp tới, các nước nhất là các cường quốc xung quanh Biển Bắc đã không ngần ngại sử dụng các giải pháp quân sự để bảo đảm lợi ích của mình. Vì thế, việc Nga triển khai quân đội tại đây cũng không phải là ngoại lệ.

Nguồn: NDĐT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.