Quốc phòng - An ninh
Điện Biên Phủ trên không giữa lòng Hà Nội (Kỳ 2)
Kỳ 2: Cuộc hủy diệt lớn nhất hành tinh
>>Kỳ 1: Mưu đồ tập kích đường không của Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1972, Ních-xơn được tái cử lần thứ hai. Để thực hiện chiến lược “không lực mạnh trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”, Ních-xơn đã xúc tiến kế hoạch “bắn phá Hà Nội” bằng bom B52 - một loại bom có sức hủy diệt mạnh nhất lúc đó.
Huy động tối đa hỏa lực mạnh
Sau 40 năm lùi xa kể từ khi Mỹ rải bom Hà Nội, Viện Lịch sử cách mạng Việt Nam tổng kết: “Chiến dịch ném bom vào thủ đô Hà Nội năm 1972 là một chiến lược điên cuồng ngạo mạn nhất hành tinh của Mỹ. Trong lịch sử thế giới, chưa có sự hủy diệt nào lớn hơn, mạnh hơn bằng cuộc hủy diệt của Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972. Mỗi người dân Hà Nội phải gánh chịu hơn 6 quả bom trên mình”.
![]() |
Tất cả trẻ em, người già ở Hà Nội được sơ tán ra ngoại ô thành phố. |
Trong 12 ngày đêm ném bom trên bầu trời Hà Nội, Mỹ đã huy động 193 chiếc máy bay B52 trên tổng số 400 chiếc, 1.077 chiếc máy bay không phận trên tổng số 3.043 chiếc, 6 tàu sân bay, hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Máy bay chiến lược B52 cất cánh từ căn cứ En-đơ-xơn trên đảo Guam, máy bay chiến thuật các loại cất cánh từ 6 sân bay ở Thái Lan và từ 6 tàu sân bay đậu rải rác trên biển Đông. Ngoài ra, tất cả các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á như căn cứ Cờ-lác, Su-bích ở Phi-líp-pin, kể cả căn cứ Ô-ki-na-oa ở Nhật Bản đều được sử dụng để phục vụ tối đa cho cuộc tập kích đường không chiến lược này. Song song với các loại hỏa lực mạnh tập kích khắp nơi, Lầu Năm Góc đã cấp tốc thành lập Bộ Chỉ huy lâm thời, đóng ở U-ta-pao, do tướng Giôn-vốt làm Tư lệnh. Bộ chỉ huy này đặt dưới quyền chỉ huy của không quân chiến lược và Bộ Quốc phòng Mỹ.
![]() |
Kíp chiến đấu tên lửa Tiểu đoàn 77 trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay B52 của không quân Mỹ. Ảnh: T.L |
Ông Phùng Tửu Bôi, nguyên chiến sĩ của đoàn quân giải phóng thủ đô Hà Nội kể: “Đây là một cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2 (tính đến tháng 12/1972) cho một cuộc tập kích đường không chiến lược. Lịch sử chiến tranh nhân loại chưa có một cuộc tập kích bằng không quân nào lớn và tàn ác như thế. Mỹ đã bất chấp luật nhân đạo quốc tế, ném bom vào bất cứ trường học, bệnh viện, hoặc dân thường. Tuy nhiên, bom Mỹ không làm lung lay ý chí chiến đấu của người dân Hà Nội. Hà Nội vẫn sống và làm việc, thi đua sản xuất bình thường. Làng hoa ven đô vẫn tưng bừng khoe sắc. Tất cả trẻ em, người già được sơ tán ra ngoại ô tránh bom”.
Quyết tâm đánh Mỹ
Trước sức mạnh và dã tâm của Mỹ, Trung ương Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương chỉ thị: “Giặc mạnh về quân sự, ta mạnh về tinh thần. Nhân dân miền Bắc và thủ đô Hà Nội quyết tâm đánh Mỹ. Đánh cho Mỹ phải bỏ xác trên bầu trời Hà Nội”.
Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lường trước được sự tấn công bằng không lực của Mỹ trên bầu trời Hà Nội từ những năm 1964. Tết Mậu Thân (1968), Bác Hồ gọi đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân (PK-KQ) đến báo cáo tình hình. Tại đây, Bác dự báo rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tổng Tham mưu phó Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Đây là một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972”. Ông còn dặn thêm: “Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng. Các đồng chí phải nắm địch thật chắc, tuyệt đối không để bị bất ngờ... Phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.
Trước sự ráo riết chuẩn bị chiến đấu với quân thù, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam - Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B52. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
MAI THẮNG
Kỳ 3: Cuộc chiến đấu không cân sức