Quốc phòng - An ninh
Điện Biên Phủ trên không giữa lòng Hà Nội
Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, chưa có một dân tộc nào lại bị giặc ném bom nhiều như ở Việt Nam. Chỉ tính riêng cuộc ném bom hủy diệt của đế quốc Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972, thủ đô Hà Nội đã hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom B52. Lịch sử đã sang trang, thay vào những hố bom sâu hoắm và những con phố đổ nát năm xưa, là diện mạo một thủ đô hòa bình mến khách hôm nay. Song, vết tích của cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra thì không thể phai mờ trong lịch sử.
Kỳ 1: Mưu đồ tập kích đường không của Mỹ
Không phải ngẫu nhiên Mỹ mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng với chiến lược “tàn độc” bằng rải thảm bom B52. Đó là nhằm mục đích cứu vãn tình thế chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị sụp đổ hoàn toàn, và thoát khỏi Việt Nam trước khi cút về nước Mỹ.
Nguyên nhân cuộc ném bom
Cho đến bây giờ - sau 40 năm kết thúc cuộc ném bom của Mỹ ở Hà Nội, những nhân chứng có mặt trong cuộc ném bom tàn khốc ấy không thể nào quên được những năm tháng vô cùng ác liệt tại Hà Nội. Đại tá Trần Như Nam, nguyên chiến sĩ đoàn quân giải phóng thủ đô năm 1972 (hiện ở phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Đó là cuộc rải bom tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Lúc đó, bom rơi dày đặc trên bầu trời Hà Nội, những người lính bảo vệ thủ đô lúc ấy chỉ biết xung trận chứ không thể tránh bom. Chỉ riêng con phố Khâm Thiên lúc đó đã hứng chịu hàng trăm tấn bom B52. Tất cả phải sơ tán. Sau này, có dịp nghiên cứu về lịch sử, tôi đã hiểu ra một điều: Mỹ rải bom Hà Nội năm 1972 là thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược xuân - hè năm 1972, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn. Các tỉnh bên bờ sông Bến Hải như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cơ bản được giải phóng, người dân làm chủ, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn huy động lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Đó là nguyên nhân chủ yếu để Mỹ mở cuộc phá hoại Hà Nội bằng không lực mạnh.
![]() |
Phố Khâm Thiên bị xóa sổ do B52 Mỹ rải bom. Ảnh: T.L |
Chính phủ Mỹ lừa dân Mỹ
Trước sức ép đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của thế giới, và để “yên lòng dân Mỹ”, Kít-xinh-giơ - một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã bàn bạc với cố vấn đặc biệt phía Việt Nam - Lê Đức Thọ “chấm dứt chiến tranh hòa bình tại Việt Nam” trong phiên họp kín thứ 19 tại Pa-ri. Tại đây Hiệp định “chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam “ đã được bàn thảo và chấp thuận.
Để tăng “niềm tin” cho dân Mỹ là chính quyền Mỹ đã chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ngày 12/10/1972, Ních-xơn và Kít-xinh-giơ đã tung tin lừa bịp dư luận rằng, “hòa bình đã ở trong tầm tay”, “chiến tranh sắp vãn hồi” để lôi kéo tranh thủ cử tri Mỹ trong bầu cử cho Ních-xơn.
Song, 10 ngày sau, đột nhiên Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, và sau 10 ngày nữa Ních-xơn đột nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta đề nghị tạm hoãn việc ký kết “chấm dứt hòa bình”, nhưng thực chất đây là sự lật lọng xảo quyệt của Mỹ với một lý do khác. Một mặt, Mỹ tập trung ngăn chặn nguồn chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam, mặt khác chuẩn bị một đòn mạnh hòng gây sức ép buộc ta phải nhân nhượng cho Mỹ sửa đổi các điều khoản của Hiệp định đã thảo luận.
Mai Thắng
Kỳ 2: Cuộc hủy diệt lớn nhất hành tinh