Một số quy định của Luật Báo chí và đạo đức nghề báo
Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Luật Báo chí quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
QUYỀN CỦA NHÀ BÁO ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO HỘ
Theo Luật Báo chí, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó.
Nhà báo được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Bên cạnh đó, Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Hoạt động tác nghiệp của phóng viên khi đi cơ sở. Ảnh: K.P
NHÀ BÁO CẦN TRUI RÈN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Ngày 16/12/2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định số 483 ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó nêu rõ, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 10 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt và thực hiện Quy định này tới lãnh đạo, hội viên, phóng viên. Giao Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam theo dõi, đôn đốc việc triển khai và thực hiện.
Trong đó, nhà báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật…
CHÚC LY (Sở Tư pháp)
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân