Nông nghiệp Bạc Liêu: Những thành tựu nổi bật

Thứ Hai, 29/04/2024 | 15:24

Đã qua rồi cái thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nông nghiệp Bạc Liêu những năm qua không ngừng đổi mới và phát triển, góp thêm gam màu sáng cho bức tranh toàn cảnh của nền nông nghiệp nước nhà.

Cánh đồng vùng chuyển đổi lúa - tôm của huyện Phước Long vào mùa thu hoạch.

NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT

Tận dụng tối đa những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bạc Liêu những năm qua không ngừng tiếp thu, cải tiến và đổi mới nông cụ, phương tiện sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân, nâng cao năng suất lao động và năng suất các sản phẩm nông nghiệp trong canh tác, từng bước hướng đến xây dựng những vùng chuyên canh, luân canh theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh trong nước và thế giới.

Song song với việc cải tiến phương tiện sản xuất, hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư xây mới và cải tạo. Qua đó, từng bước phá thế độc canh cây lúa, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Đặc biệt, kể từ khi áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa”, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân ở những vùng căn cứ xưa phát triển nhanh chóng với những mô hình sản xuất như: lúa - cá, lúa - tôm, lúa - màu, tôm càng xanh, cá sấu, le le, ba ba, rắn, cây ăn trái… mang lại nguồn thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Chương trình ngọt hóa vùng Bán đảo Cà Mau cũng đã giúp nhiều vùng canh tác lúa trên địa bàn tỉnh từ 1 vụ/năm có điều kiện làm 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha, thu nhập bình quân của nông dân gần 60 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Văn On (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) chia sẻ: “Từ khi hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện đã giúp nông dân chúng tôi tăng vụ sản xuất lúa cũng như canh tác thêm rau màu, đời sống kinh tế nâng lên rõ rệt. Từ việc đi lộ đất, ngồi xuồng chèo, nay gần như nhà nào cũng có từ 1 - 2 chiếc xe máy để đi lại, đường sá thì được đầu tư, mở rộng khang trang. Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi quê hương mình có được diện mạo khởi sắc như hôm nay”.

Nông nghiệp phát triển, thu nhập của nông dân không ngừng tăng lên, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cuộc sống khấm khá, người dân ngày càng nhiệt tình tham gia vào các phong trào tại địa phương. Trong đó, phong trào xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mở ra nhiều hướng đi cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 19 xã NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu và 78 ấp được công nhận ấp NTM kiểu mẫu.

Trong tiến trình xây dựng NTM, các công trình dân sinh thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch… luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển, qua đó góp phần làm cho diện mạo nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc.

Nông dân sử dụng thiết bị bay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.L

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Là một tỉnh thuần nông, lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ lực trong định hướng phát triển, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung là: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và xây dựng kế hoạch cơ cấu lại trong nội bộ ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần đảm bảo phát triển bền vững.

Đầu tư khai thác theo chiều sâu về tiềm năng và thế mạnh của sản xuất nông nghiệp; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh và nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với mũi nhọn là con tôm; phát triển nông nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo...

Để hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, chế biến muối chuyên sâu… đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến, thương mại nông sản và du lịch nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, số hóa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều cho biết: “Với mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, con tôm và hạt lúa của Bạc Liêu đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Sắp tới đây, tỉnh sẽ tập trung chế biến, quảng bá, nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu và xem đây là một mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong định hướng phát triển, để không chỉ giúp diêm dân có thu nhập ổn định, mà còn tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nông sản, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp đô thị để góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh và dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Với 2 vùng sản xuất chuyên biệt Nam và Bắc Quốc lộ 1A, tỉnh cũng sẽ tập trung xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai và các dự án thuộc chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông - ngư dân. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tôm giống, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Phát triển lúa chất lượng cao tại tiểu vùng sinh thái ngọt ổn định và phát triển các mô hình tôm - lúa, lúa chịu mặn đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ). Nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình sản xuất tôm - lúa với sản xuất lúa ổn định; khảo sát có định hướng để chuyển dần sang sản xuất tôm - lúa ở một số khu vực thích hợp, đủ điều kiện sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi như: tái cơ cấu đàn vật nuôi theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái và nhu cầu thị trường.

Sau 49 năm thống nhất đất nước, với phong trào khẩn hoang, cải tạo lại ruộng đất và khắc phục hậu quả sau chiến tranh, những hố bom, chiến hào và những vùng bị bỏ hoang hóa nay trở thành những ruộng lúa, đầm tôm và những cánh đồng lớn bạt ngàn. Từ những kết quả và định hướng phát triển trong tương lai, tin rằng nền nông nghiệp Bạc Liêu sẽ không ngừng phát triển và đổi mới, cùng với các ngành, lĩnh vực thế mạnh khác của tỉnh góp phần đưa Bạc Liêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.