Nhịp sống đô thị
Xã Vĩnh Trạch: Hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới
Nhiều địa phương đã chọn cơ cấu sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác để làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đồng thời xem đây là giải pháp cơ bản để thực hiện thành công các tiêu chí khác. Xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) là địa phương thực hiện tốt giải pháp này. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, để họ có nhiều đóng góp tích cực hơn trong XDNTM.
![]() |
Ông Thạch Cảnh (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch) chăm sóc dưa hấu. Ảnh: P.Đ |
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Trạch không ngừng phát triển. Đó là nhờ người dân có kinh nghiệm nuôi, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, được vay vốn sản xuất… Xã Vĩnh Trạch là một trong những địa phương thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp lớn của tỉnh hiện nay, với 1.566 hộ dân nuôi tôm trên diện tích hơn 1.940ha. Để mô hình nuôi tôm ngày càng hiệu quả, xã Vĩnh Trạch đã thành lập 47 tổ hợp tác sản xuất nuôi trồng thủy sản. Tăng cường đầu tư để phát triển mô hình nuôi theo chiều sâu gắn với quy trình sản xuất tôm sạch.
Bên cạnh con tôm, hoa màu cũng giữ một vị trí quan trọng trong thu nhập của người dân ở xã. Ngoài việc trồng màu trên rẫy, hàng năm, cứ xong vụ lúa, nhiều bà con đưa màu xuống ruộng để tạo thêm nguồn thu nhập. Những mô hình trồng màu ở đây khá đa dạng với nhiều loại cây trồng như: hành, hẹ, cải, dưa hấu…
Từ đầu năm 2013 đến nay, bà con đã thu hoạch hơn 3.880 tấn rau màu, năng suất bình quân 14 tấn/ha. Do có vị trí thuận lợi gần trung tâm TP. Bạc Liêu, nên cây màu ở Vĩnh Trạch dễ tìm được đầu ra. Nông dân Thạch Cảnh (ấp Vĩnh An), cho biết: “Bà con ở đây trồng màu rất nhiều. Vừa rồi, khi thu hoạch xong vụ lúa, tôi cũng lên giồng trồng dưa hấu. Sản phẩm ở đây làm ra bán cũng khá chạy”. Nhờ sản xuất đạt hiệu quả, nên nhiều tổ hợp tác sản xuất rau màu ở Vĩnh Trạch ra đời. Tổ viên khi tham gia tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…
Từ việc chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa làm khâu đột phá trong XDNTM, đời sống người dân ở xã Vĩnh Trạch không ngừng được nâng lên. Qua đó, phát huy được sức dân để đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông nông thôn. Ông Lưu Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã, đánh giá: “Xã có nhiều mô hình kinh tế phát triển ổn định. Đơn cử, năm 2013, nhiều hộ thành công với mô hình nuôi tôm công nghiệp và trồng màu. Ngoài ra, xã còn phát triển các mô hình làm ăn tập thể để liên kết nông dân. Tuy nhiên, trong XDNTM, xã cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vốn. Đồng thời, xã cần được đầu tư nhiều mô hình sản xuất mới kèm theo chuyển giao khoa học - công nghệ”.
Nâng cao đời sống kinh tế cho người dân là vấn đề hết sức cần thiết. Có thể thấy, xã Vĩnh Trạch chọn sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa làm khâu đột phá trong XDNTM là một cách làm đúng và mang tính bền vững.
Phạm Đoàn
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy
- Khi lòng yêu nước được nhân lên