Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Phát triển giáo dục theo hướng chất lượng, toàn diện

Thứ Tư, 20/11/2013 | 18:23

Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là nhiệm vụ luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bạc Liêu đặc biệt quan tâm. Với nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển và được đầu tư theo chiều sâu.

Đầu tư cho “quốc sách”

Với quan điểm xem sự nghiệp GD-ĐT là “quốc sách hàng đầu”, những năm qua, TP. Bạc Liêu đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động để nâng cao chất lượng GD-ĐT và đẩy mạnh đầu tư cho việc “trồng người”. Cụ thể như Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thị ủy (khóa IX) “về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với một số vấn đề bức xúc trên lĩnh vực GD-ĐT của thị xã”, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy (khóa X) về “phát triển toàn diện lĩnh vực GD-ĐT của thành phố giai đoạn 2011 - 2015”... Với những quyết sách trên, sự nghiệp GD-ĐT của thành phố không ngừng phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình vì sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, thành phố cũng trở thành cánh chim đầu đàn của nhiều phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, luôn giữ được vị trí hàng đầu của tỉnh ở nhiều cấp học.

Học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu) biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2013). Ảnh: T.A

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), từ nay đến năm 2015, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, sắp xếp mở rộng mạng lưới trường lớp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất trường lớp. Hoàn thành các chỉ tiêu về GD-ĐT (100% trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất, phấn đấu có 40 - 45% trường đạt chuẩn quốc gia; 3 - 5 phường, xã hoàn thành phổ cập THPT; huy động trẻ đến trường đạt 99%). Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT; nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng và Đoàn Thanh niên trong hoạt động ở các trường học; phát huy đúng mức vai trò giáo dục của gia đình; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa GD-ĐT.

Song song đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức trách nhiệm đối với bản thân, bạn bè, gia đình và xã hội; sẵn sàng đóng góp sức mình để xây dựng TP. Bạc Liêu văn minh, giàu đẹp.

 

Trong năm học qua, thành phố đã huy động hơn 25.460 học sinh trong độ tuổi đến trường (đạt 99,92% kế hoạch), tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt 99,38%. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,16%, hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, nhiều trường được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi...

Đặc biệt, cùng với công tác giảng dạy chính khóa theo chương trình, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động và chăm lo tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của các em thông qua tổ chức nhiều hội thi để phát hiện tài năng, năng khiếu để chăm bồi như: thi giải toán, viết chữ đẹp, thi vẽ tranh, âm nhạc...

Chọn chất lượng làm khâu đột phá

Chất lượng GD-ĐT của TP. Bạc Liêu đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu trong tình hình mới, công tác GD-ĐT của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đó là trình độ của đội ngũ quản lý chưa theo kịp với tình hình mới; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý còn hạn chế; phương pháp dạy - học chậm cải tiến; việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động dạy - học chưa nhiều; còn gặp khó khăn về vốn trong đầu tư cho giáo dục; sự phối hợp giữa các ngành, gia đình, xã hội, nhà trường chưa thường xuyên… Do vậy, việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý được xem là khâu đột phá để thành phố đưa sự nghiệp GD-ĐT sang một giai đoạn mới, hướng đến chất lượng và toàn diện. Trong đó, việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Theo ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: “Tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là cách làm mới của thành phố. Việc làm này nhằm động viên, khơi dậy phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực và phẩm chất chính trị, đạo đức tham gia thi tuyển. Qua đó, tạo điều kiện cho những người tài, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cống hiến và thăng tiến. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Ngoài ra, TP. Bạc Liêu cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng về quy mô, chất lượng giáo dục, đảm bảo mỗi phường, xã đều có đủ trường lớp đối với từng cấp học. Song song đó, thành phố dành quỹ đất thích hợp để xây thêm trường, các trung tâm GD-ĐT, đặc biệt là ưu tiên xây dựng hệ thống trường mầm non, tiểu học. Từ đó, góp phần giải quyết tình trạng quá tải học sinh ở một số trường trong nội ô thành phố.

Để mở rộng các loại hình giáo dục dân lập, tư thục và trường chất lượng cao, TP. Bạc Liêu thực hiện xã hội hóa trong huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển, mở rộng diện tích trường lớp hiện có; xây dựng các sân chơi, bãi tập, trồng cây xanh, hoa kiểng để tạo cảnh quan và môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời tổ chức sắp xếp lại các điểm trường nhỏ lẻ phù hợp với yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo; đảm bảo sĩ số học sinh và huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt tỷ lệ 99%. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các phường, xã đều có trung tâm học tập cộng đồng…

Lâm Hỷ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.