Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Một trong những chương trình mang lại nhiều ý nghĩa và khơi dậy khát vọng làm giàu trong đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) được Thành đoàn TP. Bạc Liêu phát động trong thời gian qua chính là Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.
NHIỀU MÔ HÌNH HAY, HIỆU QUẢ
Phát huy vai trò xung kích, năng động, sáng tạo trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, thời gian qua, trên địa bàn TP. Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do ĐV-TN làm chủ có thể kể đến mô hình trồng cây thì là của chị Trần Thị Mỹ Nhiên - Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Giữa B (xã Vĩnh Trạch Đông). Cây thì là từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 3,5 - 4 tháng, tùy theo chất lượng hạt giống cũng như thời tiết. Năm nay, giá hạt thì là được thu mua tại vườn khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, chị Nhiên có lãi trên 30 triệu đồng/vụ.
Mô hình trồng cây thì là của Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Giữa B - Trần Thị Mỹ Nhiên cho hiệu quả kinh tế cao.
Hay như Hợp tác xã trồng dưa lưới Yến Nhi với mô hình trồng dưa khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao của Đoàn cơ sở phường Nhà Mát. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình kinh tế tập thể tập hợp thanh niên liên kết sản xuất, giải quyết việc làm như: Tổ hợp tác sửa xe gắn máy Sơn Thon (xã Vĩnh Trạch Đông), nuôi cá rô kết hợp nuôi ếch (Phường 8), trồng rau sạch, nuôi tôm công nghệ cao (phường Nhà Mát)…
Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên ở các xã, phường đã có nhiều hoạt động xung kích trong lĩnh vực phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn đã huy động được nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, tạo điều kiện cho hàng trăm ĐV-TN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong sản xuất - kinh doanh giỏi.
“Thông qua các mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và phát triển kinh tế tại địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập cho chính gia đình ĐV-TN, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Chính những ĐV-TN đó đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và chuyển đổi cơ cấu lao động…”, Bí thư Thành đoàn TP. Bạc Liêu - Hoa Hoàng Nam, cho biết.
Đoàn viên - thanh niên tham quan mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Yến Nhi (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A
CẦN ĐƯỢC ĐẦU TƯ VỐN
Có được những kết quả đáng ghi nhận trên và tạo nên những tiền đề cho ĐV-TN thi đua lao động sản xuất, hướng đến khởi nghiệp thành công là do thời gian qua Thành đoàn đã tích cực chỉ đạo Đoàn cơ sở phường, xã có quản lý vốn ủy thác đôn đốc nhắc nhở tổ trưởng thu lãi, thu nợ để đạt kết quả cao trong đợt giao dịch. Qua đó, phát huy có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các mô hình sản xuất và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND các xã, phường thực hiện các bước giải quyết xóa nợ quá hạn cho các hộ đủ tiêu chuẩn và giải ngân cho các hộ có điều kiện sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong thực hiện Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” là ngoài nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay bình quân khoảng 30 triệu đồng/mô hình, thì ĐV-TN khó tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác thông qua hình thức tín chấp. Do vậy, rất cần sự kết nối, đầu tư hơn nữa từ các tổ chức tín dụng.
Một trong những việc làm đang được Ban Thường vụ Thành đoàn TP. Bạc Liêu tích cực triển khai là tạo ra nhiều cơ hội cho ĐV-TN có việc làm và thu nhập ổn định. Theo đó, Thành đoàn thường xuyên chia sẻ thông báo tìm việc làm cho ĐV-TN trên Fanpage, mạng xã hội Zalo, Facebook… để thanh niên kịp thời nắm bắt. Đồng thời, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm tại các phường, xã gắn với các mô hình do ĐV-TN sáng tạo gắn với điều kiện thực tế của địa phương.
Đã qua, mô hình Quán ăn vặt thanh niên của Đoàn cơ sở Phường 2 cùng với các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên có nhiều khởi sắc, tạo thu nhập ổn định cho thanh niên, đặc biệt là giải quyết được việc làm cho nhiều thanh niên địa phương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành đoàn còn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua việc tặng tôm giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đưa ĐV-TN tham gia các lớp đào tạo nghề…
CHÍ THIỆN
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải