Nhịp sống đô thị
Ông Triệu Thanh Xuân: Giữ “lửa” cho phong trào đờn ca tài tử
Một trong những tiêu chí để đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là loại hình nghệ thuật này phải được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là nét đặc trưng của ĐCTT Nam bộ, là một trong những nguyên nhân khiến ĐCTT tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
Riêng ở xứ sở của bản “Dạ cổ hoài lang”, sự lưu truyền này được phát huy mạnh mẽ ở “cái nôi” truyền thống gia đình. Không khó để tìm gặp một gia đình có ba, bốn thế hệ theo “nghiệp” đờn ca trên đất Bạc Liêu. Và gia đình ông Triệu Thanh Xuân (phường 5, TP. Bạc Liêu) là một trong những gia đình như thế.
Hỏi ĐCTT đến với ông từ khi nào, ông Xuân cười, bảo rằng ông cũng không nhớ nữa. Lúc còn nhỏ, chiều chiều là ông thấy cha mình nâng phím, so dây rồi ngân nga đôi ba câu hát. Riết rồi từng điệu đờn, lời ca dần trở nên thân quen, quyến luyến. Nếu như hạt gạo, củ khoai của mảnh đất quê hương đã nuôi lớn vóc dáng, hình hài, thì ĐCTT giống như mạch nước ngầm tắm mát tâm hồn ông qua năm dài tháng rộng. Đôi khi trong cuộc mưu sinh, ông phải trải qua nhiều nẻo đường đầy gió bụi, nhưng một khi được trở về với “dòng sông tài tử”, ông lại thấy lòng mình trong trẻo, thanh tân.
Giờ đây, khi đang ở gần kề với cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thì tình yêu dành cho ĐCTT trong ông không chỉ là được hát cho thỏa niềm đam mê, mà còn phải làm một cái gì đó để bảo tồn và phát huy phong trào ĐCTT của tỉnh nhà.
Là Chủ nhiệm câu lạc bộ ĐCTT phường 5 từ khi mới thành lập (vào năm 2000), điều mà ông Xuân quan tâm nhất là làm sao để giới trẻ thêm yêu, thêm quý, thêm gắn bó với nghệ thuật ĐCTT để có một lực lượng kế thừa hùng hậu. Riêng với các con của mình, ngoài việc dạy các ngón nghề ca hát, ông cũng luôn nhắc nhở con phải biết trân trọng, gìn giữ ĐCTT như gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý báu của cha ông mình. Không phụ lòng cha, các con của ông từ lớn tới nhỏ, người nào cũng ca hay, hát giỏi, đặc biệt là cô con gái thứ ba - Triệu Thanh Thảo. Ông giới thiệu về các con của mình bằng đôi mắt ánh lên niềm vui khôn xiết, rằng: “Thằng Thanh Tâm có giọng ca mùi thiệt mùi, con Thanh Thanh thì chất giọng ngọt ngào, còn Thanh Thảo thì luyến láy rất tài tình…”.
Trong gian phòng khách nhỏ của gia đình ông Xuân, bằng khen và giấy chứng nhận của những cuộc thi ĐCTT và hát vọng cổ được treo gần kín hai bên vách. Thế nhưng, theo ông Xuân, cái quan trọng nhất đối với ông là tấm bằng chứng nhận của UBND tỉnh trao cho gia đình mình vì đã có thành tích góp phần bảo tồn và phát huy phong trào ĐCTT Nam bộ. Và chúng tôi hiểu rằng, trong lòng ông luôn có một ngọn lửa rực cháy, nó sẽ hợp cùng nhiều ngọn lửa khác để làm bùng lên ngọn lửa ĐCTT ở vùng đất phương Nam này.
KIM NGÂN
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy