Nhịp sống đô thị
Cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác du lịch
Lượng du khách đến TP. Bạc Liêu tính đến tháng 7/2014 tiếp tục tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó, doanh thu dịch vụ du lịch cũng tăng hơn 37%. Sự khởi sắc này là đáng mừng, nhưng vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp khi tư tưởng “ăn theo” hoạt động du lịch còn khá phổ biến ở nhiều khu du lịch.
![]() |
Một điểm bán hàng tại khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Lâm Hỷ |
Đáng quan tâm nhất chính là việc “ăn theo” thương hiệu bằng việc đặt tên các hàng quán của mình gần giống với tên của một hàng quán nổi tiếng ở khu du lịch gần đó. Như gần quán bánh xèo A Mật (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) lại xuất hiện thêm quán A này, A khác. Nếu như ăn theo thương hiệu mà phục vụ tốt cũng còn được, đằng này, chất lượng dịch vụ kém đến mức du khách phải than ôi! Bởi khi vô quán AL (gần khu vực bánh xèo A Mật), khách có 4 người mà quán chỉ dọn ra 3 cái chén, 2 cái ly, còn thức ăn phải đợi… dài cả cổ. Nhiều thực khách không đợi được nên phải kêu tính tiền nước vì đã… trót uống nước!...
Chuyện “ăn theo” thương hiệu cũng xảy ra nhan nhản ở khu du lịch Công tử Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu). Nhiều du khách cảm thấy bực mình khi nhiều người bán vé số dạo tự xưng mình là cháu hai, ba đời của Công tử Bạc Liêu! Điều đó không làm cho du khách tò mò hay thích thú, mà họ cảm thấy bực mình khi bị người bán vé số đeo bám kể lể, năn nỉ mua vé số.
Phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, TP. Bạc Liêu tuy được coi là trung tâm dịch vụ - du lịch, nhưng nạn “ăn theo” lễ hội hay thương hiệu đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác du lịch. Bởi, làm du lịch đâu phải một, hai ngày, mà phải là thường xuyên, nhằm tạo thói quen cho du khách và góp phần hình thành nên những điểm du lịch, hướng đến xây dựng các tua, tuyến phục vụ du lịch lữ hành. Cũng như đâu phải đợi đến Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014 thì khu ẩm thực chợ đêm phường 3 mới phát động phong trào chị em bán hàng mặc áo bà ba, mua bán văn minh, lịch thiệp, mà nó phải là việc làm hàng ngày. Rồi công tác vận động, tuyên truyền phải đi vào chiều sâu để khẩu hiệu “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” trở thành hiện thực. Chứ không thể xem trách nhiệm làm du lịch là của doanh nghiệp, còn bản thân người dân thì không.
Bài học kinh nghiệm từ các tỉnh phát triển mạnh về du lịch là nhờ họ biết phát huy vai trò của người dân. Như khu du lịch ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), những người hành nghề chạy xe ôm, đạp xe vua lại là hướng dẫn viên du lịch khá chuyên nghiệp. Bởi, ngoài việc chở khách tham quan di tích, họ còn giới thiệu về các đặc sản, món ngon của địa phương và hướng dẫn khách đến các điểm dịch vụ phù hợp với túi tiền. Qua đó, tạo nên sự kết nối giữa du khách với các điểm dịch vụ.
TP. Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa. Vì vậy, giải pháp cho một thành phố du lịch chuyên nghiệp cần được triển khai, chứ không nên làm du lịch theo kiểu đến hẹn lại lên hay “ăn theo”!
Tư Đô Thị
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy
- Đặt vé Sun World Bà Đen trên Traveloka