Liên kết sản xuất cho phát triển bền vững

Thứ Tư, 19/01/2022 | 15:39

Có thể nói, với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, liên kết trong phát triển sản xuất đã trở thành xu thế phát triển chung của nhiều quốc gia, nhất là các nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.

HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường giúp nông dân thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: L.D

NHU CẦU TẤT YẾU

Với việc sản xuất nông nghiệp được xác định là “trụ cột” của nền kinh tế thì liên kết phát triển trong sản xuất nông nghiệp không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn là giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững.

Thực tiễn này đã được chứng minh trong thời gian qua, nhất là trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, gần như nông dân của tỉnh Bạc Liêu đều bị động và thiệt hại nặng nề khi không tham gia vào các mô hình liên kết hợp tác và hợp tác xã (HTX). Đó là sự bị động về khâu thu hoạch, không có thương lái bao tiêu, không có doanh nghiệp hỗ trợ, cung cấp đầu vào và phải nhờ Nhà nước “giải cứu” mà vụ lúa hè thu vừa qua là một minh chứng.

Qua thực trạng này cho thấy, việc doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà tiên phong là các HTX đầu đàn đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển sản xuất nên diện tích gieo trồng lúa của tỉnh thực hiện trên 191.000ha, đạt 101,09% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Qua đó, cho tổng sản lượng thu hoạch trên 1,2 triệu tấn, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

CHIA KHÓ CÙNG NÔNG DÂN

Để tạo nên thành công và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bạc Liêu, phải ghi nhận, tuyên dương các doanh nghiệp, HTX đã thật sự đồng hành cùng nông dân. Điển hình là HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình), năm qua đã sát cánh và chia khó cùng nông dân. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi nông dân đã không còn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, phải vay “nóng” từ bên ngoài và khâu tiêu thụ lúa bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Trước thực trạng đó, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường đã chủ động vận động, tuyên truyền và liên kết sản xuất với nông dân thông qua mô hình liên kết chuỗi sản xuất. Theo đó, HTX nhận hỗ trợ đầu vào bằng hình thức cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống chất lượng cao cho nông dân với giá thấp hơn thị trường khoảng 20%. Từ đó, giúp nông dân chủ động về sản xuất và tránh được tình trạng vay “nóng”, hoặc bị triệt buộc bán hàng kém chất lượng do mua thiếu không trả tiền mặt từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Cũng như tránh được những khoản lãi phát sinh từ việc việc mua nợ vật tư.

Không chỉ thế, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường còn tổ chức bao tiêu lúa gạo cho nông dân theo giá thị trường và cộng thêm 200 đồng/kg lúa, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lúa thơm, gạo sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hiện, HTX này đã mở rộng diện tích bao tiêu lúa gạo trên 7.000ha và tham gia giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho gần 4.000 hộ thành viên. Diện tích bao tiêu gắn với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao sẽ tiếp tục được HTX mở rộng và hứa hẹn có thêm hàng ngàn lao động được giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Chính thành tích này, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều năm tuyên dương là HTX tiêu biểu, HTX điển hình và được chọn làm HTX đầu đàn cho phát triển mô hình kinh tế hợp tác - HTX. Đồng thời, chọn làm mô hình để nhân rộng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đặc biệt là xây dựng và phát triển, nhân rộng mô hình “Lúa thơm - tôm sạch” cho tỉnh Bạc Liêu.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.