Gỡ khó cho phát triển công nghiệp
Với việc quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nên sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng khá và góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Trong những năm qua, quy mô sản xuất của ngành công nghiệp không ngừng được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, dây chuyền công nghệ được cải tiến, đổi mới, kéo theo năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Trong đó, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, với hệ thống 23 nhà máy chế biến, tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 135.000 tấn/năm, tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động (LĐ). Lĩnh vực may mặc cũng đang từng bước phát triển, tạo việc làm cho hơn 4.000 LĐ tại chỗ, góp phần tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu LĐ nông thôn. Riêng lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục được quan tâm thu hút đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Hiện có 8 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 469MW và điện mặt trời mái nhà tiếp tục có bước phát triển mạnh. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Phát huy thế mạnh này, các cấp ủy, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực công nghiệp và phấn đấu đến năm 2030, Bạc Liêu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số sản phẩm công nghiệp chế biến có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Và trong tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng khoảng 14,45%/năm, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,87% và tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 21,17%. Cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp đạt khoảng 17,39%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9,29% và chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp của tỉnh tăng khoảng 12,83% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ LĐ trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 45% trên tổng số LĐ phân theo ngành kinh tế của tỉnh.
Lao động được giải quyết việc làm ở Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu. Ảnh: K.T
VẪN YẾU VÀ THIẾU
Phát triển công nghiệp tuy đạt nhiều kết quả nhưng nhìn chung vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh. Đến nay, ngoài chế biến thủy sản, năng lượng tái tạo, may mặc thì Bạc Liêu chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, nhất là công nghiệp lắp ráp, chế tạo và đổi mới sáng tạo...
Cùng với đó, chỉ tiêu hạn mức đất khu, cụm công nghiệp do Trung ương phân bổ cho tỉnh còn hạn chế, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp còn thấp…
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do Bạc Liêu nằm xa trung tâm các thành phố lớn và không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Việc mời gọi đầu tư, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế còn gặp khó. Ngân sách của tỉnh bố trí dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ còn hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chưa nhiều.
Ngoài ra, một số ít cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa năng động, quyết liệt, có lúc chủ quan, thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực thi nhiệm vụ. Chưa quan tâm đúng mức công tác giải phóng mặt bằng và một số dự án còn vướng mắc về quy hoạch, cơ chế, đất đai... chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài nhiều năm.
Tất cả những khó khăn này cần được tập trung giải quyết và ban hành các chính sách thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp liên quan đến phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đang còn yếu và thiếu. Trong khi đó, quy hoạch tổng thể Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 phát triển kinh tế biển là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh.
KIM TRUNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Thiết bị quạt thổi sàn