Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối, chương trình còn tạo hiệu ứng tích cực giữa doanh nghiệp (DN) với người tiêu dùng (NTD) ở vùng nông thôn, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt của người dân.
HÀNG CHẤT LƯỢNG VỀ NÔNG THÔN
Hiện nay, người dân ở các vùng nông thôn đã khá quen thuộc với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của các DN trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, các chuyến xe lưu động... Tại đây, nhiều sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5 - 10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu NTD.
Tích cực hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hằng năm Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu triển khai nhiều chuyến bán hàng lưu động để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, siêu thị đã tổ chức được 4 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, dự kiến đến cuối năm sẽ tiếp tục tổ chức thêm 14 chuyến nữa.
Người tiêu dùng huyện Hồng Dân lựa chọn hàng hóa từ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: T.Q
Siêu thị GO! Bạc Liêu có hơn 95% hàng hóa là hàng Việt. Hỗ trợ, quảng bá hàng Việt trở thành một trong những chiến lược kinh doanh siêu thị này. Theo đó, đơn vị luôn ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày; ưu tiên thực hiện các chương trình khuyến mại các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam; đưa tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao vào chính sách chất lượng để chọn lọc hàng hóa đưa vào kinh doanh tại siêu thị…
Ông Huỳnh Phú Toàn - Giám đốc điều hành Siêu thị GO! Bạc Liêu, cho biết: “Dự kiến trong năm 2025, siêu thị sẽ tổ chức 2 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại địa bàn TX. Giá Rai. Ngoài việc đem đến các chủng loại hàng hóa phong phú và đa dạng, siêu thị còn thực hiện các chương trình khuyến mại, tặng quà, hoặc giảm giá tùy từng loại sản phẩm nhằm tạo điều kiện để NTD nông thôn tiếp cận được với hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng, giá cả hợp lý”.
CẦU NỐI GIỮA DN VÀ NTD
Có thể khẳng định, độ phủ sóng của hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Các khu chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa... bày bán đa dạng các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, hơn hết là sự “trà trộn” của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ, hội chợ hàng Việt đã giúp bà con nông thôn dễ dàng nhận biết và tiếp cận với các loại hàng hóa đảm bảo an toàn, chất lượng do chính các DN trong và ngoài tỉnh sản xuất. Từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về hàng Việt Nam cũng như có thêm nhiều thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng và giá cả đối với hàng Việt và các loại hàng hóa được bày bán trôi nổi, mang nhãn mác nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Còn đối với DN, đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như khảo sát thêm về nhu cầu, thị hiếu của người dân để từ đó cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp hơn với NTD.
Thời gian tới, để giúp người dân vùng nông thôn tiếp cận hàng Việt chất lượng, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; đẩy mạnh phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích các DN, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đưa về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ của các DN, nhà phân phối; kịp thời cung cấp thông tin thị trường, chất lượng hàng hóa Việt Nam để NTD lựa chọn sử dụng. Tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện, thị xã theo mô hình lồng ghép với hội chợ thương mại... Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa.
MINH LUÂN