Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
Không chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21/6/1925, Bác đã sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên tờ Thanh Niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Với bề dày lịch sử 100 năm hình thành và phát triển, báo chí cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng đều luôn xem tư tưởng và những lời truyền dạy với người làm báo của Bác là “kim chỉ nam” soi lối để báo chí xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.
Bài 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt nam
Sự nghiệp cách mạng khởi đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm báo, bởi Người cho rằng báo chí là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén, là lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Những “bài học” của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, thậm chí cả tương lai và trở thành nền móng tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí cách mạng Việt Nam.
“NGƯỜI THẦY” VĨ ĐẠI
Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt bạn đọc, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, trên trang nhất, Nguyễn Ái Quốc ký bút danh ZAC có bài viết được coi như tuyên ngôn của tờ báo: “Để dắt dẫn Nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo, sức lãnh đạo đó không phải là một vài người thôi, mà phát sinh từ sự hiệp lực của hàng vạn người. Muốn có hàng vạn người ấy đoàn kết chặt chẽ với nhau thì họ phải cùng một ý chí với nhau, họ phải lớn lắm. Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó”.
Nội dung báo Thanh Niên tập trung xoay quanh những chủ đề chính: Đế quốc và thuộc địa; Cách mạng và cải lương; Đảng cách mạng - Đảng cộng sản; Cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới; Đảng cách mạng và Mặt trận thống nhất; Học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; Vì lẽ gì người Việt Nam chưa làm cách mạng được?; Những trở ngại về tư tưởng và tổ chức cần vượt qua; Học tập kinh nghiệm các cuộc cách mạng thế giới; Hướng tới phát động một phong trào đấu tranh của quần chúng. Và tiếp sau đó, chỉ trong vòng gần 20 năm, Người đã tổ chức, phát hành 8 tờ báo và tạp chí chủ lực Le Paria (Người cùng khổ), Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam Độc Lập và Cứu Quốc.
Hơn 2.000 bài báo với gần 200 bút danh, những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước, thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, phong cách viết đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng triệu người trong nước và trên thế giới, thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc và hướng tới những giá trị cao đẹp “chân - thiện - mỹ”.
Bác đã từng chỉ dạy rất cụ thể rằng: Viết báo phải có căn cứ, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe, nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem. Viết ngắn gọn, viết những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, dễ hiểu; viết sinh động có sức lôi cuốn; viết thẳng thắn, có tính chiến đấu cao; người làm báo luôn coi trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng…
Chi bộ Báo Bạc Liêu sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo Bác. Ảnh: T.T
THẾ HỆ TIẾP NỐI TƯ TƯỞNG, BÀI HỌC GIÁ TRỊ VỀ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG
Không thể phủ nhận, quan điểm báo chí và những “bài học” về làm báo của Bác đã thật sự tan tỏa, ngày càng thấm sâu vào tâm khảm của các thế hệ nhà báo. Tiêu biểu như nhà báo Trường Chinh, trước khi ở cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí chính là người cầm bút, rồi tham gia biên tập, lãnh đạo nhiều tờ báo như: tờ Le Travail (Lao động), chủ bút Báo Giải phóng (1936 - 1939), trực tiếp phụ trách Báo Tin tức (1938)… Học theo những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt, trong công cuộc đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), đồng chí Trường Chinh đã xem xét, lắng nghe nghiêm túc hàng ngàn báo cáo, kiến nghị, ý kiến của các cơ quan, các cấp, ngành và địa phương, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Sau đó, đồng chí khảo sát gần 20 tỉnh, thành phố miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Chuyến đi nào đồng chí cũng nhắc mời đại diện các báo, tạp chí. Bởi rõ ràng, đây chính là căn cứ thực tế sinh động, tổng kết thực tiễn một cách thuyết phục nhất. Và toàn bộ thực tế được đồng chí chỉ đạo để Tạp chí Cộng sản và hệ thống báo chí nước nhà công bố và tiếp tục nghiên cứu, phát triển một cách đa dạng và sâu sắc bằng thực tiễn cấp bách đặt ra trước thềm công cuộc đổi mới.
Thời điểm thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) của Hồ Chủ tịch, cũng là lúc tờ báo “Chiến” - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu ra đời. Theo đường hướng của nhà báo Nguyễn Ái Quốc, báo “Chiến” đã bám sát tuyên truyền, vạch trần âm mưu của địch; phát động quần chúng “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, thực hiện chủ trương của Mặt trận Việt Minh… Trong giai đoạn lịch sử này, nhiều nhà báo của tỉnh Minh Hải (Cà Mau, Bạc Liêu) cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, thậm chí có người vừa giữ cho “bút sắc” và “súng chắc”. Đó là nhà báo Nguyễn Mai, tên thật là Phan Trường Thọ, sinh năm 1931. Từ năm 1948 - 1956, ông tham gia viết cho các báo: Bông Lúa, Nhân Loại và một vài tờ báo khác ở Sài Gòn. Đầu năm 1957, do bị giặc phát hiện nên ông phải rời khỏi Sài Gòn trở về chiến khu (vùng Cà Mau - Rạch Giá) kháng chiến và tiếp tục viết bài gửi cộng tác với các báo, tạp chí ở Sài Gòn thời ấy dưới bút danh Lê Hồng. Năm 1970, ông đã hy sinh trên đường đi công tác. Thế hệ hậu bối ai cũng nhớ câu chuyện quả cảm này, một nhà báo vì cứu 2 mẹ con người phụ nữ bị bọn địch ức hiếp đã nổ súng để người phụ nữ ôm con thoát thân. Ông đã chiến đấu với giặc tới viên đạn cuối cùng, quyết không đầu hàng.
Ngoài nhà báo Nguyễn Mai, còn rất nhiều những nhà báo cách mạng kiên trung như nhà báo Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (1940); nhà báo Trần Thanh Tùng đã hy sinh trong một trận càn lớn của địch… Những nhà báo cách mạng - hậu bối của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ luôn hướng đến ánh sáng soi đường của Bác, thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ cách mạng, là tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, vì dân, vì nước.
HOÀNG UYÊN
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025