HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Triển khai kịch bản phòng chống hạn, mặn và tổng kết mô hình sản xuất lúa ST24, ST 25
Ngày 10/1/2021, tại huyện Phước Long, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ST24, ST 25 trong vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A. Dự hội nghị có đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa ST24, ST25.
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 ở khu vực Nam Bộ đến sớm, cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020. Theo đó, trong số hơn 47.000ha vụ lúa đông xuân, có nguy cơ thiếu nước khoảng 3.400ha.
Các khu vực thiếu nước dự kiến gồm các diện tích tập trung ở khu vực phía Tây trục kênh Vĩnh Phong. Thời gian thiếu nước bắt đầu tư tháng 3/2021. Trong đó, TX. Giá Rai khoảng 1.000ha, huyện Hòa Bình khoảng 300ha, huyện Vĩnh Lợi 900ha, huyện Phước Long 1.200ha. Nếu mặn xâm nhập sớm, việc nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A sẽ tiếp tục gặp khó khăn do độ mặn tăng cao, với nguy cơ khoảng 4.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài sản xuất, việc cấp nước sinh hoạt của Nhân dân vùng Nam Quốc lộ 1A cũng có thể gặp khó khăn, nhất là khu vực ven biển.
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô năm 2020 - 2021 có thể ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh, Sở NN&PTNT phối hợp cùng các ngành và địa phương tiến hành xây dựng ba kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ huy động nguồn nhân lực toàn ngành bám sát đồng ruộng, xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất; Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tập trung phát động phong trào làm thủy lợi, thủy nông nội đồng mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn toàn tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ nạo vét, cải tạo các tuyến kênh để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2020 - 2021. Tổng kinh phí dự kiến cho các kịch bản từ 3,8 tỷ đồng cho đến 21 tỷ đồng.
Đối với mô hình sản xuất lúa ST24 và ST25, sau gần một năm canh tác ở các vụ mùa, cây lúa ST24, ST25 đã thật sự bén rễ và thích ứng với đồng ruộng Bạc Liêu. Giống lúa ST24, ST25 được đánh giá có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác.
Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình lúa ST 24 trên đất nuôi tôm ở huyện Phước Long.
Thành công từ mô hình thí điểm canh tác giống lúa ST24, ST25 với quy mô 60ha trong vụ hè thu, tỉnh đã có chủ trương và chỉ đạo ngành Nông nghiệp mở rộng lên 3.500ha cho vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A. Trong đó, huyện Phước Long sản xuất 1.557ha, huyện Hồng Dân gần 1.600ha, TX. Giá Rai trên 374ha. Tổng chi phí sản xuất ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đại trà 1.700.000 đồng/ha. Với năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha sẽ đưa hiệu quả kinh tế ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà là 4.700.000 đồng/ha. Tư đó đưa tổng lợi nhuận trên diện tích 3.500ha đạt hơn 90 tỷ đồng, cao hơn 16 tỷ đồng so với ruộng đối chứng canh tác giống lúa địa phương.
Để mô hình đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tổ chức 70 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác với sự tham dự của 2.600 lượt nông dân về kỹ thuật cải tạo đất, gieo sạ, chăm sóc lúa và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là kỹ thuật rửa mặn - khâu quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình. Trung tâm Khuyến nông cũng kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để bà con an tâm sản xuất. Nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lúa ST24, ST25, tỉnh đã hỗ trợ cho những hộ tham gia mô hình bao gồm 50% lúa giống, 500.000 đồng thuốc bảo vệ thực vật/ha. Với diện tích 3.500ha được triển khai đã thúc đẩy nông dân tổ chức, phát triển sản xuất theo hình thức cộng đồng tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm - lúa tại tỉnh Bạc Liêu theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - tôm sạch”. Với những thành công bước đầu, tỉnh sẽ mở rộng diện tích sản xuất giống lúa ST24, ST25 lên gần 12.000ha, trong đó sản xuất ở vùng ngọt ổn định 3.500ha, còn lại là sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Lúa ST24 lọt tốp 3 "Gạo ngon nhất thế giới" tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức ở Macau (Trung Quốc) năm 2017, còn ST25 đứng đầu tốp "Gạo ngon nhất thế giới" tổ chức tại Manila (Philippines) lần thứ 11 năm 2019. Đây là các giống lúa của nhóm tác giả kỹ sư Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng).
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: Rất mừng vì bước đầu giống lúa ST24, ST25 đã thích ứng và phát triển tốt trên vùng đất lúa - tôm của tỉnh. Để giống lúa ST24, ST25 phát triển bền vững, người nông dân yên tâm sản xuất thì phải quan tâm đến việc bao tiêu sản phẩm. Đồng thời lưu ý, sắp tới đây khi ứng dụng mạnh khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là sản xuất lúa sẽ phát triển mạnh mẽ; cùng với phát triển cây lúa - con tôm thì cũng phải khuyến khích người dân trồng thêm hoa màu trên bờ vuông để tăng thu nhập; ngành Nông nghiệp đề xuất, tham mưu UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh. Về phòng, chống hạn mặn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Nông nghiệp phải chủ động, tính toán lại xem việc gì làm trước, việc gì làm sau, không để khi hạn mặn đến rồi mới triển khai làm...
Phát biểu kết thúc nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đề nghị: các sở, ngành, các địa phương căn cứ vào kế hoạch phòng, chống hạn mặn của UBND tỉnh mà thực hiện. Địa phương nào để thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sản xuất thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó chịu trách nhiệm, bởi đã có kịch bản cụ thể để ứng phó với tình hình này. Về vấn đề sản xuất giống lúa ST 24, ST 25, Sở NN&PTNT kết nối với tác giả giống lúa ST 24, ST 25 để nghe thêm về việc triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh sẽ mở rộng sản xuất giống lúa này, bởi đây là giống lúa hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao, làm thay đổi đời sống người dân vùng sản xuất lúa - tôm...
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT đã trao tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành trong tham gia xây dựng mô hình lúa ST 24, ST 25.
Tin, ảnh: M.Đ
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới