HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính: Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát
Ngày 5/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại điểm cầu Bạc Liêu, đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 4/3/2022, thế giới ghi nhận trên 442,7 triệu ca mắc COVID-19, đã có hơn 6 triệu người tử vong, riêng trong tháng 2 vừa qua có hơn 52 triệu ca mắc mới, trong đó trên 200 ngàn trường hợp tử vong.
Từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận 4 triệu 059 ngàn ca mắc COVID-19, có 2 triệu 589 ngàn 436 người đã khỏi bệnh và 40 ngàn 609 ca tử vong. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Bộ Y tế nhận định: Tình hình dịch bệnh đến nay cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 2 ngàn 150 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao; 401 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao, tại 22 tỉnh, thành phố.
Đến ngày 3/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc-xin; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều 3, tiêm được hơn 196 triệu liều.. Trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 29/1 - 28/2/2022, cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại. Như vậy nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên.
Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50 đến 75 ngàn ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125 ngàn ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Đáng lưu ý là biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, thay thế dần biến thể Delta, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trên địa bàn Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron ( biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 2 khoảng 30%). Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen.
Cũng theo Bộ Y tế, kể từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế ngày 1/1 đến hết ngày 14/2/2022 vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 800 ngàn ca mắc COVID-19, trong đó hơn 500 ngàn ca cộng đồng. Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới nỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính khẳng định tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Theo đó, các chỉ số về số ca mắc mới, ca tử vong, tỷ lệ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng… đều trong khả năng đáp ứng của ngành Y tế. tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, trẻ từ 12 - 17 tuổi đều ở mức cao. Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn vắc-xin để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu” nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; Chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; Công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường.
Các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện đầy đủ tinh thần thích ứng an toàn linh hoạt, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo 7 các tỉnh, thành phố về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19; đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình sử dụng vắc xin tại địa phương, đảm bảo không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ.
Trọng tâm nhiệm vụ trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn. Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vắc-xin cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vắc-xin Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới)
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị COVID-19.
Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng vi rút, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà. 3. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch COVID-19:
Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch.
Phối hợp với Bộ TN&MT, các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc COVID-19 quản lý tại nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các địa phương để tăng cường quản lý việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, quản lý giá, phòng tránh tiêu cực, tham nhũng; thúc đẩy công khai, minh bạch trong quản lý; phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; có biện pháp đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thuốc đông y, y dược cổ truyền và test kit xét nghiệm.
Tiểu ban An ninh trật tự, Ban chỉ đạo của Bộ Công an về phòng chống dịch tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và hoàn thành công tác trọng tâm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Điều quan trọng là không lơ là, phải đề cao cảnh giác với dịch bệnh để từng bước bình thường hoá với dịch bệnh COVID-19. Mục tiêu là hạn chế tối đa ca nhiễm, kiểm soát hiệu quả ca chuyển nặng, ca tử vong. Phải thần tốc hơn nửa công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Trong tháng 3 phải hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Chăm lo tốt an sinh xã hội, đảm bản an ninh quốc phòng… trong tình hình mới.
Tin, ảnh: C.K
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới