HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu: Đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL
Sáng 13/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành thay mặt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra mục tiêu tới năm 2050, tầm nhìn tới năm 2100, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất anh hùng, giàu tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.
Sau khi lắng nghe 13 ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đầy trăn trở. Dẫn lại 2 câu thơ, “Sông Cửu Long 9 cửa 2 dòng. Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em”, Thủ tướng nhấn mạnh, miền Tây là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam yêu thương. Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản… Đối với thế giới, đánh giá của WB cho thấy, ĐBSCL là vựa lúa chín chiếm khoảng 20% trong lượng gạo thương mại toàn cầu và chính miền Tây đã góp phần đảm bảo lương thực ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Thủ tướng cho biết, cách đây một tuần, Chính phủ đã tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045, thực hiện di nguyện “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc “Đối thoại 2045” như vậy được tổ chức ở vùng đất Chín Rồng để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên, không chỉ sánh vai cùng cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng như tiêu đề Hội nghị hôm nay.
Nhân dịp này, Thủ tướng khởi xướng tới đây ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất Chín Rồng để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.
Nói về các kết quả trong đầu tư phát triển ĐBSCL thời gian gần đây, Thủ tướng lưu ý, “không được kể công mà kết quả này hay là nhiệm vụ tới là trách nhiệm của Chính phủ, của cán bộ, công chức, của Thành ủy, của Tỉnh ủy, của UBND các tỉnh, thành phố”.
Mô hình sản xuất lúa - tôm một trong những mô hình thích nghi với BĐKH được tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo nhân rộng.
Biến đổi khí hậu suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh, một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông. Nhấn mạnh triết lý phát triển thuận thiên, nhưng Thủ tướng cho rằng, nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Biến đổi khí hậu không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, chúng ta phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp…
Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đã được quy hoạch. Nhấn mạnh, “lộ thông thì tài thông” (tài là tài lực), Thủ tướng đề nghị phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế vùng đất Chín Rồng.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP được tỉnh ủy, HĐND và UBND tích cực lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở văn bản Trung ương, Kế hoạch, Chỉ thị của tỉnh về thực hiện Nghị quyết 120, các cấp, các ngành đã ban hành các kế hoạch cụ thể theo lĩnh vực của ngành, của địa phương. Đến nay các cấp, các ngành cũng ban hành được nhiều văn bản có liên quan khác để thực hiện …
Nhìn chung, nhận thức về những tác động, thách thức của biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đối với công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư dã dược nâng lên, có sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ngày càng sát thực tế, đầy đủ và chính xác các thách thức đang đặt ra đối với từng vùng và bám sát nội dung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu…
Thanh Liêm - Lư Dũng
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới