HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Thứ Ba, 23/04/2024 | 09:20

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu.

Chiều 22/4, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Bạc Liêu, tham dự hội nghị trực tuyến có các đồng chí: Lữ Văn Hùng - Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh...

Những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản lượng hàng năm hơn 9 triệu tấn, đóng góp 30% GDP ngành Nông nghiệp; sản phẩm thủy sản xuất khẩu qua 170 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững và việc gỡ “thẻ vàng” thời gian qua vẫn chưa được quan tâm sâu sắc, đầy đủ, chưa quyết liệt. Vì vậy, theo Chỉ thị 32 của Ban Bí thư: các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tô quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương. Cùng đó là khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác IUU và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước châu Âu, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ “thẻ vàng”…

Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu ra quân kiểm tra các tàu thuyền đánh bắt trên biển.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư. Theo đó, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất nhập bến phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.

Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Triển khai những giải pháp lâu dài phát triển bền vững ngành thủy sản như: chuyển đổi nghề cho ngư dân; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; đảm bảo số lượng tàu khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn thủy sản trên biển để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản; đầu tư hạ tầng cơ sở và chuyển đổi số cho ngành biển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Gỡ “thẻ vàng” là vấn đề quan trọng của Việt Nam, bởi liên quan lớn về hình ảnh, vị thế, uy tín  đất nước trên thế giới. Chống khai thác IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” để phát triển ngành thủy sản bền vững. Vì vậy, chúng ta cần tranh thủ, nỗ lực và quyết liệt để gỡ “thẻ vàng”, nhất là phải gỡ được trong tháng 11/2024. Bởi nếu trễ hơn có thể mất thêm hơn 2 năm để có thể đàm phán lại được với Liên minh châu Âu. Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” trong nước, Việt Nam cần xem xét những kinh nghiệm gỡ “thẻ vàng” của các nước lân cận để có thể áp dụng phù hợp với các địa phương trong nước. Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Gỡ “thẻ vàng” là bước đầu cho phát triển ngành thủy sản Việt Nam; bước tiếp theo là đẩy mạnh và triển khai hiệu quả kế hoạch khai thác và bảo vệ thủy sản hợp lý để ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững …

Tin, ảnh: M.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.