HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Bàn giải pháp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 15/09/2021 | 18:52

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều phát biểu tham luận tại hội nghị.

(BL-CL) Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) - Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại điểm cầu Bạc Liêu, đồng chí Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu tham luận hội nghị.

Bức tranh kinh tế chung của 2 vùng trong 8 tháng đầu năm 2021, theo bà Bùi Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ KH-ĐT, là sản lượng lúa của 2 vùng ước đạt 16,86 triệu tấn, dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 8,78 triệu tấn; sản lượng thu hoạch trái cây đạt 4 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020, một số địa phương tăng khá so với vùng là Bến Tre (tăng 6,69% so cùng kỳ), Sóc Trăng (tăng 7,88% so cùng kỳ), Bạc Liêu (tăng 5,8% so cùng kỳ)…

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh do dịch chưa bùng phát, tuy nhiên từ nửa cuối tháng 7 có xu hướng giảm do không vận chuyển được hàng hóa (nhất là thủy sản), tính đến hết tháng 8 năm 2021 toàn vùng ước đạt 9,566,7 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ nhưng chỉ bằng 46,7% kế hoạch, chiếm 5,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. 4/13 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ là Sóc Trăng (tăng 19,12%), Đồng Tháp (26%), Bạc Liêu (8,2%), Cà Mau (19,7%) với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản.

Nhìn chung theo các số liệu thực hiện 8 tháng, thì nền kinh tế 19 tỉnh phía Nam vẫn có những chỉ số tích cực, tuy nhiên do có độ trễ nên các khó khăn sẽ phản ánh rõ nét vào các tháng cuối năm.

Riêng Bạc Liêu, theo dự báo của Tổng cục Thống kê thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 ước chỉ đạt 5,92%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,45%; công nghiệp và xây dựng tăng 13,9%; dịch vụ tăng 3,73% so với cùng kỳ. Còn về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, tính đến ngày 30/8 tỉnh đã giải ngân được 945.319/3.330.348 triệu đồng đạt 28,38% tổng vốn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, các đại biểu cũng đã trình bày và nêu lên các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới cần được thực hiện quyết liệt và hiệu quả như: khẩn trương thực hiện tổ chức lập quy hoạch tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã có những kiến nghị như: Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ không cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của địa phương nếu đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021. Bởi, gần 2 tháng nay tỉnh phải tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên việc triển khai các dự án đầu tư công bị đình trệ; Bộ KH-ĐT tham mưu đề xuất với thủ tướng Chính phủ sớm xử lý những khó khăn đối với dự án Mở rộng nâng cấp Việt Nam- vay vốn WB; Tiểu dự án TP. Bạc Liêu để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện.

Làm lộ giao thông nông thôn ở TX. Giá Rai (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh). Ảnh: C.L

Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH-ĐT và Tổng cục Thống kê quan tâm và chỉnh lý lại số liệu tính toán GRDP giữa các năm đảm bảo hợp lý và sớm cung cấp cho các địa phương có cơ sở tính toán để trình HĐND tỉnh về Nghị quyết phát triển KT-XH vào thời điểm cuối năm; các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư và Dự án Nhà máy điện khí tự nhiện hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu để dự án sớm triển khai thi công đưa vào hoạt động vận hành đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT - Trần Duy Đông cho rằng: “Đây là cách mà các địa phương trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Bộ KH-ĐT nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và được các đơn vị chuyên môn của Bộ giải thích, hướng dẫn ngay; đồng thời cũng là dịp mà các địa phương tăng cường công tác phối hợp với nhau, có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong quá trình thực hiện nhiêm vụ của mình”.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau. Thứ trưởng tin rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của các cấp các ngành chúng ta sớm kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, nền kinh tế sẽ mau chóng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.