Giáo dục - Học Đường

Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo

Thứ Hai, 29/11/2021 | 15:58

“Văn hóa học đường (VHHĐ) là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, VHHĐ là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển VHHĐ trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”, Bộ trưởng GD-ĐT - Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “VHHĐ trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo”.

Xây dựng môi trường học đường bình đẳng, thầy trò tôn trọng lẫn nhau (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh minh họa: Đ.K.C

Nhiều giải pháp quyết liệt

Hơn 10 năm qua, ngành Giáo dục đã quyết liệt hướng tới xây dựng VHHĐ thông qua cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (2006 - 2007); cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” (2007 - 2008); phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (2008)… Và những năm gần đây, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Những hoạt động ấy đã có tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Hòa trong dòng chảy ấy, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã hiện thực hóa các cuộc vận động, phong trào, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo mang tính đột phá, góp phần hình thành nên môi trường học đường đầy văn hóa, trách nhiệm, tình thương, kỷ cương và thượng tôn pháp luật. Theo đó, song song với nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, các trường còn chú trọng việc xây dựng VHHĐ, rèn luyện, phát triển những kỹ năng, phẩm chất bổ ích cho học sinh - sinh viên. Cụ thể, ngoài việc phối hợp với ngành Công an tổ chức các buổi tuyên truyền về Hiến pháp, pháp luật, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong học đường; các đơn vị còn phát động nhiều phong trào thi đua trong học tập, ứng xử lễ phép, giúp bạn nghèo vượt khó, ủng hộ biển đảo yêu thương, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, khó khăn… để khơi dậy trong học sinh - sinh viên những đức tính tốt đẹp.

Song song đó, nhiều đơn vị còn linh hoạt tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, hành trình “du học sử” giúp học sinh - sinh viên am tường về lịch sử - văn hóa địa phương, từ đó hình thành lối sống đẹp, biết trân trọng thành quả cách mạng của tiền nhân. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường còn phối hợp thành lập, duy trì các câu lạc bộ, nhóm theo sở thích hoặc năng khiếu. Đó không chỉ là nơi trau dồi, hoàn thiện nhiều kỹ năng, mà còn tạo điều kiện để các bạn trẻ trui rèn phẩm chất, đạo đức để sống biết yêu thương, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế mà ngành Giáo dục phải đối diện - đó là tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, môi trường văn hóa - xã hội thay đổi, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với VHHĐ. Cụ thể là biểu hiện thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử, nghiên cứu khoa học và bạo lực học đường; sự thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một bộ phận học sinh và số ít giáo viên... Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục.

Lấy VHHĐ làm mục tiêu phấn đấu lâu dài

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngành Giáo dục đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, trong đó đẩy mạnh xây dựng VHHĐ bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về xây dựng VHHĐ; xây dựng bổ sung và số hóa các tài liệu, học liệu giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh - sinh viên. Song song đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; chú trọng việc giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh - sinh viên với nhau; nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện”. Đồng thời, các trường chú trọng việc cung cấp cho học sinh, sinh viên những kỹ năng ứng xử văn hóa, tạo môi trường học tập lành mạnh, trang bị các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh - sinh viên.

Cùng với đó là tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đổi mới hình thức sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học với nguyên lý “học đi đôi với hành”, lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa phụ huynh với học sinh, với thầy cô và với nhà trường…

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, một trong các khâu đột phá được xác định là “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Vì thế, việc xây dựng VHHĐ trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.