Giáo dục - Học Đường

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT BẠC LIÊU: TÍCH CỰC THAM GIA ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Thứ Sáu, 23/05/2025 | 15:10

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển “tam nông”.

Hỗ trợ cua giống cho học viên tham gia đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Đông Hải.

ĐA DẠNG HÓA NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất quan tâm và chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội, nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đào tạo lao động và xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Đối với Bạc Liêu, công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được quan tâm, đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đào tạo 167 nghề (gồm 52 nghề phi nông nghiệp và 115 nghề nông nghiệp). Trong đó, chương trình đào tạo nghề dưới 3 tháng được xây dựng sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được sự thay đổi của khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới ứng dụng trong sản xuất. Chương trình đào tạo nghề được quản lý thống nhất trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Là một trong những cơ sở GDNN uy tín và có thương hiệu của tỉnh, trong nhiều năm qua, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu đã nỗ lực đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Đặc biệt là đổi mới công tác tư vấn, tuyển sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội gắn với phục vụ tốt việc khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Có thể nói, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã góp phần thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT, giúp chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho LĐNT. Sau học nghề đã có những mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.

Lao động nông thôn thực hành nâng cao tay nghề. Ảnh: T.A

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO

Tiếp tục phát huy kết quả này, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu sẽ tích cực tham gia công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, nhà trường sẽ quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đổi mới, cập nhật nội dung đào tạo, giáo trình cho phù hợp với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, thực tiễn sản xuất - kinh doanh và điều kiện thực tế ở địa phương. Đổi mới phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng LĐNT. Trong đó, chú trọng thực hành, rèn kỹ năng là chính và phát huy tính chủ động của người học, kế thừa kết quả đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng với đào tạo nghề ở trình độ cao hơn (sơ cấp, trung cấp) theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học. Ngoài việc chú trọng hình thành kỹ năng chuyên môn kỹ thuật, tác nghiệp cụ thể cần bổ sung các kiến thức khác về bảo quản, sơ chế sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng tìm việc làm đối với từng nghề được đào tạo. Trong quá trình dạy nghề, quan tâm tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về học nghề không chỉ là để hưởng thụ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà là học nghề để có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật áp dụng vào thực tế giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững và góp phần quan trọng vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Song song đó, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, nâng cao trách nhiệm và xây dựng lực lượng cộng tác viên là những cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, nghệ nhân... tham gia dạy nghề cho LĐNT. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp và tham gia dạy nghề, tuyển dụng lao động khi hoàn thành khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và cung cấp con - cây giống, vật tư đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời, đúng mùa vụ.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp chặt chẽ với địa phương trong tổ chức, quản lý trong suốt quá trình dạy - học, cấp phát cây - con giống, vật tư bảo đảm đúng quy định và chất lượng dạy nghề; thực hiện kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Phối hợp giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh và thực hiện đúng hợp đồng; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; đồng thời khen thưởng, tuyên dương, động viên những cán bộ, giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nắm bắt kết quả thực hiện tại các hộ lao động, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời cho các lớp tiếp theo.

Với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy sứ mạng, tinh thần tự lực - tự cường, sáng tạo giá trị, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương đào tạo nghề cho LĐNT và tất cả là phụng sự cho cộng đồng. Tiếp tục khẳng định là một cơ sở GDNN đào tạo có uy tín, là nơi để học tập - rèn nghề, đồng hành khởi nghiệp cùng cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển KT-XH của địa phương…

MẠNH CƯỜNG

Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã tích cực đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Thường xuyên đáp ứng theo nhu cầu của thực tiễn ở từng vùng, địa phương, nhất là đáp ứng yêu cầu đào nghề cho LĐNT. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và trình độ sản xuất, phát triển KT-XH tại khu vực nông thôn, cũng như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Năm 2024, trường đã phối hợp với địa phương tuyển sinh, triển khai các lớp đào tạo thường xuyên và dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT với trên 2.260 học viên/83 lớp, gồm 16 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 5 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.