Giáo dục - Học Đường
Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi: Phụ huynh đồng tình, học sinh phấn khởi
Trước thông tin Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế chuẩn bị các điều kiện để triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, nhiều phụ huynh đã rất đồng tình, còn các em học sinh thì phấn khởi. Vì sau khi được tiêm vắc-xin, không chỉ bảo vệ sức khỏe trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà cơ hội được đến trường của học sinh cũng “rộng mở” hơn.
Học sinh THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh điền thông tin cá nhân trước khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Ảnh: Internet
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hơn 2 tháng nay, học sinh phải học tập bằng hình thức trực tuyến. Với hình thức học tập mới mẻ này, nhiều học sinh và cả phụ huynh chưa cảm thấy yên tâm. Vì vậy, khi có thông tin Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế chuẩn bị các điều kiện để triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, đây cũng là độ tuổi tương đương với học sinh cấp học THCS và THPT (từ lớp 6 - 12), nhiều phụ huynh đã rất phấn khởi, đồng tình.
Chị L.T.L - một phụ huynh có con đang học cấp THPT tại Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, bày tỏ: “Khi hay thông tin học sinh từ 12 - 17 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, tôi rất vui mừng. Vì nếu được tiêm vắc-xin, không chỉ các em được bảo vệ tốt hơn trước sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, mà còn có thể sẽ được đến trường. Năm nay là năm học cuối cấp của học sinh lớp 12, trong đó có con của tôi nên việc các em đến trường học trực tiếp là rất quan trọng”.
Đồng quan điểm trên, một phụ huynh khác cho biết: “Giải pháp tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, mà trước hết là độ tuổi 16 - 17 là một trong những quyết sách của Đảng, Nhà nước nhận được sự đồng tình rất cao từ Nhân dân. Dù có phụ huynh vẫn chưa yên tâm do lo sợ ảnh hưởng của vắc-xin đối với sức khỏe của con em mình, nhưng tôi tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, nhất là các đánh giá về mặt y tế của các ngành chuyên môn thì việc triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh là giải pháp phù hợp trong tình hình dịch bệnh như hiện nay”.
Đối với công tác chuẩn bị triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh, hiện ngành Y tế đang phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi. Còn đối với trẻ trong độ tuổi 12 - 17 nhưng đã nghỉ học, ngành Y tế cũng phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê cụ thể. Ngành Y tế cho biết, sau khi có số liệu chính xác, ngành sẽ báo cáo Bộ Y tế nhằm sớm phân bổ vắc-xin phù hợp để triển khai tiêm trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của ngành Giáo dục, năm học 2021 - 2022, tổng số học sinh từ lớp 6 - 12 trên địa bàn tỉnh là 18.112 em. Trong đó có 44.879 học sinh cấp THCS, 18.233 học sinh cấp THPT. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính xác để tiến hành tiêm vắc-xin. Bởi hiện nay, các trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng bệnh COVID-19, làm cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nên cán bộ, giáo viên không thể vào trường làm việc, vì thế ngành Giáo dục vẫn chưa thể thống kê chính xác số lượng học sinh từ 12 - 17 tuổi.
Với tinh thần trách nhiệm của mình, mong rằng các trường sẽ có giải pháp phù hợp trong việc thống kê chính xác số lượng học sinh trong độ tuổi được tiêm vắc-xin, để công tác này được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Châu Khánh
Những lưu ý khi trẻ được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Theo các chuyên gia y tế, tùy theo loại vắc-xin, trẻ có thể gặp biến chứng nhưng rất hiếm gặp sốc phản vệ (thường xảy ra trong vòng 15 phút sau tiêm) và một số biến chứng khác. Để giảm nguy cơ sốc phản vệ, cha mẹ cần thông báo cho nhân viên y tế về tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc hoặc vắc-xin của trẻ.
Cần quan sát các dấu hiệu như mệt lả, ngứa, sưng mặt, khó thở ở trẻ trong vòng 15 phút sau tiêm. Các biến chứng khác rất khó nhận định nên điều quan trọng là phụ huynh phải theo dõi trẻ và khai báo các triệu chứng bất thường cho cơ quan y tế.
Do chưa trưởng thành nên trẻ khi đi tiêm vắc-xin cần được cha mẹ quan tâm 4 đặc điểm: Trẻ thường chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên có thể không tự nguyện và hợp tác để được tiêm ngừa; Trẻ không biết tự khai báo về tình trạng sức khỏe và tiền sử y tế của mình; Trẻ thường có khả năng chịu đau kém hơn người lớn nên có thể khóc hoặc giãy giụa khi được tiêm; Trẻ chưa có kinh nghiệm để nhận biết các dấu hiệu của bản thân như mệt, chóng mặt, ngứa ngáy trong người, khó thở.
Vì vậy, phụ huynh cần giải thích về lợi ích của tiêm chủng, quy trình tiêm chủng cho trẻ bằng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn trẻ chuẩn bị và ứng phó khi bị đau trong khi tiêm và sau khi tiêm, theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm.
Khi đến điểm tiêm, cha mẹ có thể đề nghị trẻ thực hành quan sát như: bác sĩ có đeo khẩu trang không, bác sĩ tiêm ở tay phải hay tay trái, trước khi tiêm có khử khuẩn da vùng tiêm hay không. Việc thực hành này không phải để phát hiện việc đúng - sai của nhân viên y tế mà giúp trẻ có đầu óc quan sát và làm xao nhãng sự lo sợ của trẻ trước khi tiêm.
Sau khi trẻ đã tiêm chủng, cha mẹ cần lưu ý 2 điều: Gia đình phải thông cảm với sự sợ hãi hay cảm giác đau của trẻ; Phụ huynh cần phòng ngừa và phát hiện những biến chứng có thể xảy ra sau tiêm. Vì vậy, nếu trẻ khóc trong hoặc sau khi tiêm cần an ủi, ôm trẻ vào lòng. Ở trẻ nhỏ có thể có một số thủ thuật giúp trẻ vượt qua cảm giác đau.
T.L (tổng hợp)
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên