Giáo dục - Học Đường
Nỗ lực hóa giải thách thức trong năm học mới
Có lẽ chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách với niềm vinh dự cùng thách thức lớn như hiện nay. Trọng trách này đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, thầy cô giáo phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao với những giải pháp mới quyết liệt để hóa giải thách thức, đáp ứng kỳ vọng lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Học sinh Bạc Liêu phấn khởi bước vào năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Đ.K.C
Tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).
Theo đó, toàn ngành sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới.
Cùng với đó, ngành tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Không chỉ vậy, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động để triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trên cơ sở đó ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Trong năm học này, ngành cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển. Đặc biệt sẽ dành nguồn lực ưu tiên hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045; bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn.
Nâng cao vị thế nhà giáo, tránh rủi ro thi tốt nghiệp THPT 2025
Hiện nay cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023 - 2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng, nên số giáo viên còn thiếu vẫn nhiều và ở hầu hết các địa phương. Trong đó, riêng Bạc Liêu vẫn còn thiếu 1.244 giáo viên ở các cấp học so với biên chế được giao.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới... Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Song song đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác…
Năm học 2024 - 2025 cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu hoàn tất chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018 với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới, đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT. Bởi vậy, ngành Giáo dục đã có bước chuẩn bị từ các năm học trước, như xây dựng sớm phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024. Tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong việc thực hiện.
Kim Trúc
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước