Giáo dục - Học Đường

Nghị quyết 29 (Khóa XI): Sức bật cho giáo dục Bạc Liêu bay cao

Thứ Tư, 09/08/2023 | 16:33

Dù là tỉnh còn nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp nhưng bằng sự chăm lo đặc biệt cho sự nghiệp “trồng người”, nhiều năm qua, Bạc Liêu đã dần khẳng định được thương hiệu giáo dục với cả nước. Sự “thay da đổi thịt”, chuyển biến cả về lượng và chất của giáo dục càng có thể nhìn thấy rõ hơn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (NQ 29), của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bài 1: Từng bước vượt khó

Hơn 20 năm trước, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xếp vào “vùng trũng” của ngành Giáo dục cả nước khi thiếu thốn mọi bề, chất và lượng giáo dục đều ở mức rất thấp so với cả nước. Trong hoàn cảnh chung đó, khi được tái lập vào năm 1997, nền giáo dục Bạc Liêu phải đối diện với muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo…

Giờ ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học C thị trấn Phước Long (huyện Phước Long). Ảnh: C.K

Trưởng thành từ “vùng trũng”

Năm 1997, sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, toàn tỉnh chỉ có 48 trường tiểu học, 48 trường THCS/48 xã - phường - thị trấn (trường lớp đa phần là cây lá địa phương), còn trường THPT thì đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, ngành Giáo dục còn đứng trước rất nhiều thách thức như: đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu; trang thiết bị dạy học thiếu thốn trầm trọng… Với những khó khăn, bất cập như thế, cho nên chất lượng giáo dục thời điểm đó rất thấp. Tỷ lệ trẻ em vào nhà trẻ chỉ chiếm 1,42%, tỷ lệ trẻ em vào mẫu giáo chiếm 25,78%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi không được đi học cấp 1 chiếm 4,67%...

Không chỉ thế, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhất là giao thông liên vùng, giao thông nông thôn vừa thiếu lại vừa xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc đi lại của người dân… đã trở thành những “lực cản” níu chân sự phát triển của nền giáo dục.

Đứng trước những khó khăn, thử thách tưởng như “không thể vượt qua” đó, tập thể ngành Giáo dục đã “đồng cam cộng khổ” để từng bước đưa con chữ về vùng sâu, vùng xa, nâng dần chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao trình độ dân trí để cùng địa phương phát triển kinh tế -  xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, thì sự quan tâm đến công tác giáo dục của các cấp ủy Đảng, chính quyền như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường, đặc biệt là ở các địa bàn vùng khó khăn cũng đã tạo đà cho hệ thống trường học từ bậc học mầm non đến THPT không ngừng phát triển, dần dần phủ kín từ thành thị đến nông thôn, xóa trắng địa phương không có trường mẫu giáo.

Tính đến năm học 2012 - 2013 (trước khi NQ 29 ra đời), toàn tỉnh đã có 5.483 phòng học, phòng chức năng, phân bổ tại 321 trường của các cấp học (trong đó có gần 60 trường đạt chuẩn quốc gia). Về chất lượng, có khoảng 60% phòng học đạt chuẩn cấp 3 (kiên cố có lầu) và gần 40% phòng học cấp 4. Điều đặc biệt là trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không còn tồn tại tình trạng phòng học tạm bợ. Có thể kể đến các công trình được xây dựng mới thời điểm này như: Trường THPT Ninh Quới A, Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân), Trường THPT Điền Hải (huyện Đông Hải)…

Cũng trong năm học này, quy mô học sinh toàn tỉnh đã đạt khoảng 168.000 học sinh. Trong đó, cấp mầm non có 27.563 trẻ; cấp tiểu học có 82.200 học sinh; cấp THCS có 42.237 học sinh; cấp THPT có 16.000 học sinh.

Giờ chơi của học sinh Trường tiểu học Trần Kim Túc (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân).

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Với sự quan tâm, chăm lo cho công tác “trồng người”, trước khi NQ 29 ra đời, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03, ngày 12/2/2008 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hiệu quả GD-ĐT. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 21, ngày 31/12/2013 về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với một số vấn đề quan trọng và bức xúc trên lĩnh vực GD-ĐT của tỉnh.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng ta: “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”, tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó là tập trung đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng coi trọng chất lượng. Song song đó, để có nền giáo dục đúng thực chất, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện các quy định, quy chế về giảng dạy và học tập, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Riêng ngành Giáo dục thì triển khai nhiều giải pháp để củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sau khi tiếp thu NQ 29, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 30, ngày 31/3/2014 “về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đồng thời, tổ chức hội nghị quán triệt đến lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và báo cáo viên. Sau đó, các huyện, thị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tổ chức triển khai quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cấp mình và ở cơ sở. Cụ thể hóa Nghị quyết và đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới GD-ĐT; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 44, ngày 9/6/2014 của Chính phủ…

Quá trình triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Nghị quyết với phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công tác “trồng người” trong tình hình mới.

Đây chính là cơ sở, là tiền đề để ngành Giáo dục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của NQ 29, góp phần đưa nền giáo dục tỉnh nhà bay cao, tự tin sánh vai với các địa phương trong cả nước.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.