Giáo dục - Học Đường
Ngành Giáo dục Bạc Liêu: Đồng lòng vượt khó
Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-ĐT tặng quà tri ân các nhà giáo nghỉ hưu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà (ảnh chụp tháng 8/2024).
Thời gian qua, ngành Giáo dục Bạc Liêu đã phấn đấu, “đồng cam cộng khổ” vượt qua mọi khó khăn để gặt hái những thành tích đáng tự hào, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Bên cạnh đó, những thành quả mà ngành Giáo dục hôm nay gặt hái được còn là kết quả của sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo đối với sự nghiệp “trồng người” theo phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Khai trương Trung tâm Điều hành giáo dục (vnEdu IOC) của ngành Giáo dục huyện Hòa Bình. Ảnh: C.K
Sôi nổi phong trào thi đua dạy tốt - học tốt
Một điều rất dễ nhận thấy là sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2/9/1945) thì nền giáo dục nước nhà đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ lời căn dặn của Bác, các thế hệ thầy và trò tỉnh nhà đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học, điều kiện đi lại… để ra sức học tập, trau dồi kiến thức. Sự khó khăn đó được minh chứng rõ nét là vào năm 1976, toàn tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) chỉ có 142 trường học mà trong đó đa phần được xây dựng tạm bợ bằng cây lá địa phương, đội ngũ giáo viên thì thiếu hụt trầm trọng. Và mãi cho đến ngày 1/1/1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh nhà vẫn còn đối diện với tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất trường lớp, dẫn đến tình trạng lớp học ca ba, lớp ghép…
Trong bối cảnh ấy, cùng với tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh chủ trương vận dụng phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sau 2 năm tái lập tỉnh, Bạc Liêu đã cơ bản xóa tình trạng lớp học ca ba, phòng học tạm bợ bằng cây lá địa phương. Đồng thời, tỉnh còn ban hành chính sách thu hút cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về các xã vùng sâu công tác. Đến tháng 10/1998, Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Và đến năm 2004, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về giáo viên cho các ngành học, bậc học…
Cùng với đó, toàn ngành đã tập trung đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên; phát động phong trào thi đua dạy tốt - học tốt trong tất cả các cấp học. Phong trào được đội ngũ nhà giáo hưởng ứng sôi nổi, từng bước góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT toàn diện ở các cấp học, ngành học.
Theo đó, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hội thi từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh dành cho giáo viên và học sinh như: giáo viên dạy giỏi, dạy học theo chủ đề tích hợp, thiết kế bài giảng điện tử, sáng tạo đồ dùng dạy học… Bé thông minh - sáng tạo, vở sạch - chữ đẹp, đố vui để học, vui học tiếng Việt - Toán, văn hay - chữ tốt, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Toán, tiếng Anh qua mạng…
Cơ sở vật chất khang trang, đạt chuẩn quốc gia của Trường tiểu học Hoa Lư (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi).
Tiếp cận giáo dục hiện đại
Ngoài việc đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, ngành Giáo dục Bạc Liêu còn tích cực thực hiện tốt các cuộc vận động lớn trong ngành. Bên cạnh cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung tiếp tục triển khai thực hiện gắn liền với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thật sự lan tỏa trong toàn ngành, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về dạy thật, học thật, thi thật và kết quả thật, thì các phong trào “Giúp đỡ học sinh yếu kém”, “Rèn luyện kỹ năng học tập, kỹ năng sống của học sinh” cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Qua đó, tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học giảm mạnh.
Đặc biệt, hiện nay ngành Giáo dục đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, giáo dục. Theo đó, ngành đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”… Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành như: Hệ thống quản lý văn bản của tỉnh; Cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT (trong việc thực hiện báo cáo thống kê giáo dục); phần mềm kế toán MISA; phần mềm quản lý tài sản; tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó duy trì và sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong kết nối giữa nhà trường, giáo viên với học sinh (và phụ huynh) và tổ chức các hoạt động giáo dục; đảm bảo tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm dạy học trực tuyến với phần mềm quản trị ở cơ sở giáo dục. Tăng cường xây dựng học liệu số (bao gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học); đóng góp học liệu và khai thác sử dụng hiệu quả Kho học liệu dùng chung của Bộ trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Đẩy mạnh đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến.
Điển hình như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến. Kết thúc đợt đăng ký dự thi có 6.413 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 6.033 thí sinh đăng ký trực tuyến, đạt tỷ lệ 94,08%.
Học sinh Trường THCS Hòa Bình (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng.
Ngành cũng triển khai thực hiện thí điểm Học bạ số cấp tiểu học (có 78 trường tham gia thí điểm). Hiện tại, các trường tham gia thí điểm đã hoàn tất việc cập nhật thông tin, kết quả giáo dục của học sinh vào Học bạ số và chuyển dữ liệu Học bạ số của đơn vị về cổng tiếp nhận Học bạ số của Sở GD-ĐT.
Trong tình hình hiện nay, khi năm học 2024 - 2025 đánh dấu hoàn tất quá trình thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với sự chủ động về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo cũng như trang thiết bị, dụng cụ dạy và học, ngành Giáo dục Bạc Liêu tự tin đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học trong tình hình mới với quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Lâm Thị Sang
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc