Giáo dục - Học Đường

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 18/10/2021 | 15:10

Với nhiều chính sách được xây dựng và triển khai thực hiện, vấn đề đổi mới giáo dục và phát triển giáo dục vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng.

Trường mầm non Hoa Hồng (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) dạy trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Việt (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp).

Trong năm học 2021 - 2022, toàn ngành Giáo dục Bạc Liêu thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Trong đó, việc đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc, ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-KH&CN, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại Công văn 3968 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục dân tộc, ngành Giáo dục tỉnh đã có hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục dân tộc. Cụ thể, ưu tiên hàng đầu là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS trong thời gian tới”.

Theo hướng dẫn của Sở GD-KH&CN, các trường học phải tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của những cơ sở giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS.  Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức thực hiện dạy học tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS và giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về giáo dục dân tộc…

Một trong những hoạt động được tập trung thực hiện là rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học. Theo đó, việc sắp xếp phải đảm bảo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao để tập trung đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.

Sở GD-KH&CN yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục cần có giải pháp để đảm bảo tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp, tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ… nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững về lĩnh vực GD-ĐT đối với những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Công tác dạy học tiếng DTTS trong trường phổ thông, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS cũng cần được các trường quan tâm. Cùng với đó là tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch 41 ngày 31/5/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Trong đó, chú trọng xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS.

Học sinh Trường PT DTNT tỉnh trong giờ lên lớp (ảnh chụp năm học 2020 - 2021). Ảnh: C.K

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG PT DTNT TỈNH

Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS, ngành Giáo dục tỉnh xác định phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục của Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) tỉnh. Theo đó, ngành Giáo dục chỉ đạo đơn vị tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh Khmer. Đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt là tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.

Ông Trần Văn Chúng - Hiệu trưởng Trường PT DTNT tỉnh, cho biết: “Nhiều năm qua, trường đã triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác giáo dục kiến thức và kỹ năng cho học sinh dân tộc Khmer. Hiệu quả giáo dục được chứng minh khi nhiều năm liền, trường có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học”. Cụ thể là trường đã và đang làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động tự học của học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh có ý thức và kỹ năng tự học hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm giúp học sinh Trường PT DTNT sau khi tốt nghiệp THCS, THPT có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu lao động của địa phương, xã hội.

Cũng với mục tiêu nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh DTTS, trong năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất - kinh doanh của địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số; huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, đảm bảo phân luồng sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả.

Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh dân tộc. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức các hoạt động lao động sản xuất cải thiện đời sống cho học sinh DTTS.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.