Giáo dục - Học Đường
Lợi và hại của việc thi thử
Nhằm tạo thế chủ động và chuẩn bị tốt tâm lý cho các sĩ tử trước hai kỳ thi quan trọng của cuộc đời, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thi thử để khảo thí chất lượng ôn luyện. Song, theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, ngoài ưu thế phát hiện kịp thời những “lỗ hổng” kiến thức để chăm bồi, nếu áp dụng không khéo sẽ khiến học sinh chủ quan hoặc hoang mang, làm ảnh hưởng không tốt đến kết quả của kỳ thi chính thức.
![]() |
Học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu trong giờ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: C.Khánh |
Năm 2014 là năm có nhiều điểm mới được áp dụng cho hai kỳ thi lớn của quốc gia là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Với lý do tập dượt cho thí sinh làm quen không khí trường thi, mới đây Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường THPT trong tỉnh tổ chức thi thử tốt nghiệp. Theo đó, có 4.150 học sinh khối 12 của 19 điểm trường tham gia kỳ thi. Dù là thi thử, nhưng công tác ra đề, tổ chức hội đồng coi thi, bố trí phòng thi, cán bộ coi thi… đều tuân thủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và chỉ đạo của UBND tỉnh về tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Học sinh cuối cấp đã trải qua những giây phút căng thẳng, hồi hộp không khác gì kỳ thi chính thức. Đặc biệt là cảm giác được thử sức, trải nghiệm cấu trúc bài thi từ dễ đến khó, qua đó giúp các em phần nào đánh giá được kết quả ôn tập thời gian qua, để có hướng khắc phục, bổ sung những khiếm khuyết, cũng như phát huy những thành quả đạt được.
Theo Sở GD-ĐT, đây là một hình thức khảo thí công khai, minh bạch để đánh giá đúng năng lực, trình độ của học sinh, từ đó giúp giáo viên có hướng điều chỉnh kịp thời việc ôn tập cho học sinh trong giai đoạn nước rút. Đây còn là cơ hội tốt để các trường rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị cơ cở vật chất, tổ chức coi thi, nhìn nhận khách quan chất lượng dạy và học của đơn vị mình, cũng như đề xuất những khó khăn, giải pháp… trong quá trình tổ chức kỳ thi để Sở GD-ĐT kịp thời tháo gỡ trước kỳ thi chính thức.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đơn vị thì đề thi thử tốt nghiệp năm nay hơi “cứng tay” so với đề thi tốt nghiệp chính thức của mọi năm. Trong đó, đề thi Ngữ văn được xây dựng trên hình thức mới ít nhiều khiến các thí sinh bỡ ngỡ. Bởi vậy, kết quả thu được từ kỳ thi thử lần này đã không như mong đợi của một số đơn vị. Có trường chỉ đạt khoảng 86% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi thử lần này. Dù đó chưa phải là kết quả cuối cùng, nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu để các đơn vị rút kinh nghiệm.
Ngoài việc tham gia kỳ thi thử tốt nghiệp chung toàn tỉnh, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu đã tổ chức 3 đợt thi thử đại học trên phạm vi toàn trường. Có gần 300 học sinh khối 12 đăng ký dự thi. Năm nay, trường tổ chức cho các em thi thử các khối A, B, A1, D. Riêng khối C chỉ tổ chức thi môn Văn. Mỗi lần thi, cấp độ khó của đề thi sẽ tăng dần và ở lần thi thử thứ ba, đề thi có độ khó từ bằng đến hơn 10% so với đề thi đại học năm 2013. Theo lãnh đạo nhà trường, lần thi thử thứ tư sẽ được tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Là đơn vị giáo dục THPT chất lượng cao đứng đầu của tỉnh, trường luôn áp dụng những hình thức khảo thí sát với thực tế và tạo cơ hội tốt để học trò trải nghiệm trước khi bước vào những kỳ thi chính thức.
Lợi bất cập hại nếu không thận trọng
Hiệu trưởng của một trường THPT kể rằng, cách đây không lâu, trong đợt tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, dạng đề thi Toán của Sở GD-ĐT ra gần giống đề thi tốt nghiệp chính thức của Bộ GD-ĐT, nhưng điều đáng buồn là học sinh của nhiều trường lại làm không được vì nghĩ rằng dạng đề thi thử sẽ không cho lại ở kỳ thi chính thức.
Việc có nên tổ chức thi thử hay không đang nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc áp dụng khá nhiều điểm mới cho hai kỳ thi quốc gia năm nay đã khiến nhiều địa phương cảm thấy “bất an” và việc áp dụng thi thử cũng là một tất yếu, song nếu như tổ chức không thận trọng sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường! Đó là đối với những thí sinh đạt kết quả cao sẽ có tâm lý chủ quan, “ngủ say” trong chiến thắng. Còn với những thí sinh làm bài yếu sẽ để lại trong các em nỗi ám ảnh, rồi hoang mang khi bước vào kỳ thi chính thức. Và một số khác giống trường hợp mà người viết đã nêu ở trên là ỷ y rằng cấu trúc đề thi thử sẽ không bao giờ lặp lại ở đề thi chính thức…
Vấn đề đặt ra là ngành Giáo dục nói chung, các trường THPT nói riêng cần xây dựng chương trình ôn tập hợp lý, bài bản, theo chuẩn kiến thức quy định; hướng dẫn những phương pháp ôn tập cụ thể, hiệu quả cho học sinh; phát huy tính tự học, sáng tạo, khả năng tư duy, linh hoạt trước những dạng đề mở; giúp học sinh ổn định tâm lý, không chủ quan, lơ là với công tác ôn tập để sẵn sàng tâm thế vượt vũ môn!
KIM TRÚC