Giáo dục - Học Đường

Lịch sử trở thành môn tự chọn: Người trong cuộc nói gì?

Thứ Sáu, 13/05/2022 | 16:39

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, từ năm học 2022 - 2023, học sinh (HS) lớp 10 sẽ học các môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Giáo dục thể chất. Các môn còn lại được liệt vào danh sách môn tự chọn, trong đó đáng chú ý là môn Lịch sử (LS). Điều này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại về việc môn LS vốn đã không hấp dẫn với HS, nay lại trở thành môn tự chọn thì khác gì “khai tử”.

Tiết ôn tập môn LS của cô trò Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Đ.K.C

LS phải là môn học quan trọng

Cô Lê Thị Giàu - Tổ phó Tổ Văn - Sử - Giáo dục công dân của Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải), chia sẻ: “Là một giáo viên dạy môn LS, khi hay thông tin LS trở thành môn tự chọn trong Chương trình GDPT mới lớp 10, tôi đã rất băn khoăn và cảm thấy khó tiếp nhận. Bởi vì, bản thân tôi thấy rằng đối với các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam, giá trị LS rất quan trọng, góp phần làm nên tiếng tăm, sự phát triển, cũng như danh dự, sức mạnh của cả dân tộc. Thực tế đã minh chứng hàng ngàn năm nay, các quốc gia, dân tộc phát triển hay suy vong đều dựa trên nền tảng mà LS để lại. Dù LS không tạo ra của cải nhưng lại góp phần phát triển xã hội, phát triển dân tộc, con người; không có một quốc gia phát triển, hay một con người văn minh nào có thể quay lưng lại với LS. Do đó, nếu để môn LS trở thành tự chọn sẽ rất “nguy hiểm” trong quá trình giáo dục HS, giới trẻ. Và hệ lụy không xa là các em sẽ quên đi giá trị LS, cội nguồn dân tộc, nền văn hóa riêng…, xa hơn nữa là mai một lòng tự tôn, ý thức bảo vệ dân tộc, đất nước…”.

Hồ Chủ tịch từng dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Và trong thời đại ngày nay, việc tận tường gốc tích thôi vẫn chưa đủ, mà “sử ta” còn là ánh sáng soi rõ lối đi đến con đường của văn minh, hội nhập; để chúng ta tự tin mà không tự ti; biết nắm bắt thời cơ nhưng cũng nhìn rõ nguy cơ hiện hữu; chủ động hội nhập nhưng không chủ quan, khinh suất.

Cùng quan điểm ấy, giáo viên giảng dạy môn LS của các trường đều cho rằng, một đất nước luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào với truyền thống LS hào hùng, một nền giáo dục vốn dựa trên nền tảng LS, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp thì phải tôn trọng LS. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì việc đưa LS vào nhóm môn tự chọn là một sai lầm to lớn, gây hậu quả khôn lường trong tương lai, bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay là rất nhiều HS dần quay lưng với môn LS. Minh chứng rõ nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây, môn LS luôn ở vị trí “đội sổ”, điển hình là năm 2021, cả nước có 637.005 thí sinh tham gia bài thi LS thì có đến 331.429 em bị điểm dưới trung bình, chiếm hơn 52%. “Con số biết nói” ấy đã phần nào phác họa đậm nét về thực trạng dạy - học môn này hiện nay. Nay LS lại trở thành môn tự chọn càng khiến dư luận lo ngại hơn khi sẽ càng ít HS chọn lựa, thậm chí có thể bị loại ra khỏi chương trình học của bản thân.

Thay đổi phương pháp giảng dạy để thu hút HS

Lo lắng sâu sắc về thực tế này, các chuyên gia giáo dục bày tỏ: Nếu LS trở thành môn tự chọn và với cách giảng dạy như hiện nay, thì chỉ sau vài thế hệ, chúng ta sẽ thấy những hậu quả lớn, mà quan trọng nhất là quan hệ công dân với chính đất nước mình trở nên “lỏng lẻo”. Đó là chưa kể, nếu giới trẻ không hiểu biết gì về LS nước nhà, hoặc lơ mơ thì sẽ dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, tiêm nhiễm các thông tin xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc LS…

Hậu quả trong tương lai đang được dư luận, người trong cuộc “mổ xẻ”, phân tích, nhưng để thay đổi Chương trình GDPT 2018 khi đã ban hành là rất khó. Thế nên, thay vì mong chờ LS trở lại danh sách nhóm môn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới, thì giáo viên, “người trong cuộc” cần “làm mới”, thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá HS; khéo léo lồng ghép những bài học LS vào thực tế cuộc sống; rút ra những bài học hay để giáo dục HS. Song song đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, làm sinh động, hấp dẫn hơn những giờ lên lớp; tổ chức thêm các buổi ngoại khóa, học mà chơi - chơi để học, hay các chuyến tham quan, tìm hiểu di tích LS - cách mạng để giáo dục truyền thống, tình yêu với môn LS. Các trường cũng nên tính đến việc làm sao gắn LS với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, thay đổi tư duy giảng dạy để thu hút HS. Và điều quan trọng hơn hết chính là sức lan tỏa, tình yêu mãnh liệt mà giáo viên đứng lớp truyền tải đến HS đối với môn LS.

Em Nguyễn Thị Ngọc Khánh (lớp 9/3, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Em thấy rằng một khi thật sự tìm hiểu và đi sâu vào môn học này thì sẽ thấy LS không hề nhàm chán, khô cứng hay chỉ toàn số liệu, sự kiện… như nhiều người vẫn nghĩ. LS đã giúp em hiểu hơn về nguồn cội, trân trọng giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của ông cha trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. LS còn giúp thế hệ trẻ chúng em biết chọn lọc văn hóa, “hòa nhập nhưng không hòa tan” trong thời đại hội nhập quốc tế. Em và nhiều bạn cùng lớp đã quyết định chọn môn LS trong chương trình GDPT mới lớp 10 để có cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn, văn hóa dân tộc. Em tin rằng sẽ còn rất nhiều bạn trẻ giống em chọn lựa môn học này như một cách tri ân, trân trọng với LS. Chỉ mong là thời gian tới việc dạy - học môn này sẽ có nhiều thay đổi, trải nghiệm hay để thu hút HS”.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.