Giáo dục - Học Đường
Hỗ trợ học sinh nghèo học trực tuyến: Những cách làm hay
Triển khai nhiệm vụ năm học mới trong muôn vàn khó khăn trước tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là việc tổ chức dạy - học trực tuyến còn vấp phải những thách thức lớn về trang thiết bị, đường truyền hỗ trợ học tập… Song với tình thương, tâm huyết của những người đi gieo chữ, các thầy cô giáo đã có những cách làm hay, sáng tạo để gỡ khó, đồng hành cùng học sinh nghèo trong việc học trực tuyến.
Ông Tạ Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gành Hào (bìa trái) tặng điện thoại và thẻ sim 4G cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vũ Phong
Những “chú dế” yêu thương
Lễ khai giảng trực tuyến vừa kết thúc thì bảo vệ báo tin có một phụ huynh dẫn theo học sinh của trường nhất quyết phải gặp cho bằng được thầy Tạ Trường Giang - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Vừa gặp được thầy thì hai mẹ con òa khóc nức nở kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Vị phụ huynh nức nở phân trần: “Để cố gắng duy trì cho con tôi là Trần Võ Ngọc Nhất (lớp 9D) học tập đến bây giờ đã là nỗ lực rất lớn. Nay trường triển khai dạy học trực tuyến, gia đình không biết phải xoay sở ra sao để mua điện thoại cho con học tập, cùng đường chắc phải đành để con nghỉ học…”.
Sau cuộc gặp đặc biệt ấy, thầy Giang đã chỉ đạo Đoàn trường nhanh chóng trích Quỹ “Giúp bạn đến trường” hỗ trợ 1,5 triệu đồng để giúp gia đình em Nhất trang bị điện thoại thông minh phục vụ việc học trực tuyến của em.
Ngay khi “chú dế” đầu tiên được trao tay, trường bắt đầu rà soát lại toàn bộ học sinh của trường và ghi nhận có hơn 30 trường hợp đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ thiết bị học tập. Vậy là, thông qua mạng xã hội, các mối quan hệ thân thiết, tập thể giáo viên trường đã nhanh chóng phát đi thông điệp vận động điện thoại thông minh, thiết bị có thể hỗ trợ học tập trực tuyến đã qua sử dụng để tiếp sức cho học sinh nghèo.
Chỉ sau một tuần phát động, hoạt động ý nghĩa của trường đã gặt hái thành công ngoài mong đợi khi có rất nhiều mạnh thường quân đăng ký hỗ trợ bằng tiền mặt. Trong đó, chị Nguyễn Mỹ Linh - cựu học sinh của trường (hiện đang công tác tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Rùa Vàng, TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ đến 30 triệu đồng. Từ các nguồn lực được tài trợ, cùng Quỹ “Kế hoạch nhỏ”, trường đã mua mới 24 cái điện thoại thông minh (2,8 triệu đồng/cái), đồng thời vận động MobiFone hỗ trợ sim 4G (miễn phí hoàn toàn tháng đầu tiên và đóng cước 59.000 đồng/tháng cho những tháng tiếp theo) để trao tận tay học trò nghèo. Ngoài ra, còn có một mạnh thường quân cho mượn thêm điện thoại và nhà trường cũng sửa chữa thêm một số máy tính đã qua sử dụng để cùng học sinh nghèo gỡ khó trong việc học trực tuyến.
Đường truyền Internet nghĩa tình
Là một trong những ngôi trường vùng sâu của TX. Giá Rai với điều kiện dạy - học còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khi phải duy trì hoạt động dạy - học bằng hình thức trực tuyến, nhưng thầy và trò Trường tiểu học và THCS Tân Thạnh vẫn đồng lòng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để đảm bảo tốt nhiệm vụ năm học mới. Theo đó, để “gỡ khó” cho những học sinh thiếu thiết bị học tập, trường đã linh hoạt tổ chức ghép cặp, hoặc nhóm (khoảng 3 em) nhà gần để hỗ trợ nhau học trực tuyến.
Chưa hết mừng khi giải quyết được khó khăn thì lãnh đạo trường nhận được thông tin có khoảng 35 học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể tham gia học trực tuyến vì thiếu thiết bị, đường truyền. Qua ghi nhận thực tế, đa phần nhà các em cách khá xa nhau, phân bố rời rạc nên đường truyền Internet không thể phủ sóng tới. Trước khó khăn ấy, ông Bùi Quang Định - Hiệu trưởng trường đã trực tiếp vận động VNPT thị xã hỗ trợ kéo đường dây cáp quang để tạo độ phủ sóng. Đề nghị khẩn thiết ấy đã được chấp thuận khi đường truyền nghĩa tình 3,5km của VNPT đã nối liền mơ ước của những học trò nghèo.
Đâu chỉ có vậy, tập thể giáo viên trường còn tích cực đóng góp, vận động thêm nguồn lực từ bên ngoài với tổng trị giá hơn 26 triệu đồng để hỗ trợ 2 cái điện thoại thông minh mới cho các em: Trần Ngọc Huyền, Trần Ngọc Hân (lớp 7B); hỗ trợ 80 card điện thoại cho các thẻ sim 4G được hỗ trợ miễn phí trước đó…
Ông Bùi Quang Định - Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tân Thạnh, cho biết: “Nhờ chủ động ngay từ sớm, lại linh hoạt trong công tác vận động nên đến thời điểm này độ phủ sóng Internet trong học sinh của trường là 100%, tạo điều kiện thuận lợi để trường tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến một cách hiệu quả. Nhưng điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất là khi được nhìn thấy khuôn mặt rạng ngời của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong niềm vui được nhận điện thoại thông minh, card điện thoại, thẻ bảo hiểm y tế, quần áo, dụng cụ hỗ trợ học tập…”.
Rất nhiều gia đình, học sinh vô cùng xúc động trước sự quan tâm bằng tình thương, trách nhiệm của những người gieo chữ. Những cách làm hay, ý nghĩa mà người thầy vận dụng theo triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” luôn phù hợp trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh và góp phần nối dài thêm con đường hướng đến tương lai của biết bao học trò nghèo.
Kim Trúc
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên