Giáo dục - Học Đường

Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”: Đọng lại những ấn tượng đẹp!

Thứ Hai, 29/04/2024 | 15:42

Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải vừa tổ chức buổi giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh dân tộc (HSDT) thiểu số cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024. Đây là sân chơi giàu tính giáo dục giúp HSDT hiểu hơn những phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc mình, khắc sâu thêm những kiến thức tiếng Việt đã học trên lớp, hình thành tình yêu, kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục HSDT, cũng như xóa dần rào cản ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng “mẹ đẻ” cho các em.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải - Trương Hà Giang khen thưởng cho các đơn vị xuất sắc ở phần thi “Tự giới thiệu”. Ảnh: Đ.K.C

Chung tay gìn giữ bản sắc

Đây là hoạt động thường niên được Phòng GD-ĐT huyện Đông Hải phối hợp với các trường tiểu học có đông HSDT trên địa bàn tổ chức. Theo đánh giá của lãnh đạo, giáo viên các trường, qua mỗi năm, hoạt động giao lưu ngày càng phong phú, giàu tính sáng tạo và ý nghĩa hơn. Mỗi tiết mục tham gia, cũng như sự thi tài sôi nổi, xứng tầm của gần 180 thí sinh đến từ 12 đội thi đã cho thấy tâm huyết, sự quan tâm sâu sát của các đơn vị dành cho hoạt động giao lưu ý nghĩa này.

Theo đó, mỗi đội thi đều mang đến buổi giao lưu những gam màu tươi mới, phản ánh một cách sinh động, chân thực những phong tục tập quán, nếp sinh hoạt đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc mình tại địa bàn cư trú. Những di tích văn hóa, lịch sử, thế mạnh kinh tế, du lịch của địa phương cũng được các bạn nhỏ khéo léo đưa vào các tiết mục giao lưu biểu diễn. Ban giám khảo, khán giả bị “hớp hồn” bởi những điệu múa răm-vông uyển chuyển và khó có thể rời mắt khỏi sân khấu bởi các tiết mục múa, đóng kịch, tiểu phẩm, kể chuyện… của các thí sinh nhí trong phần thi Tự giới thiệu.

Có thể nói, các đội thi đã thể hiện sự am tường những ngày lễ lớn của dân tộc mình thông qua việc lồng ghép giới thiệu mốc thời gian cụ thể, những hoạt động, món ăn truyền thống, trang phục dân tộc… trong từng lễ hội. Bản sắc văn hóa, hồn cốt dân tộc một lần nữa được khẳng định, khắc sâu trong tâm khảm của thế hệ trẻ - thế hệ sẽ kế thừa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Không chỉ vậy, các trò chơi dân gian như: kéo co, gà đẻ trứng, tấm thảm bay, chung sức, nhịp điệu âm nhạc… còn mang đến cho các em không gian giao lưu vui nhộn và những tràng cười sảng khoái.

Phần “Tự giới thiệu” của một đơn vị dự thi.

Giữ lửa đam mê tiếng Việt

Không dừng lại ở đó, buổi giao lưu lần này còn là cơ hội tốt để HSDT thiểu số cấp tiểu học trên địa bàn huyện rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và nhất là giữ lửa đam mê tiếng Việt trong từng em. Thực tế đã qua cho thấy, những năm gần đây học trò có xu hướng xem nhẹ môn Tiếng Việt, mà chạy theo các môn tự nhiên, năng khiếu… Riêng HSDT thiểu số còn vấp phải rào cản là bất đồng về mặt ngôn ngữ, nên đôi lúc còn lấn cấn khi giao tiếp, sử dụng tiếng Việt. Và việc các em ngán ngẩm với môn học này là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, cần phải định hướng, tạo hứng thú và niềm say mê mãnh liệt trong các em đối với môn Tiếng Việt. Từ quan tâm, đầu tư chút ít thời gian, đến thích rồi yêu mến - đó là những ranh giới rất mong manh đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần đầu tư, quan tâm đúng mức! Một khi rào cản ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc bị xóa bỏ, HSDT thiểu số sẽ yêu và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn; phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt để từ đó nâng niu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và tạo nền tảng để học tốt các môn học khác.

Ông Trương Hà Giang - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Hải, cho biết: “Hoạt động giao lưu lần này còn nhằm khích lệ phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt ở các trường học có đông HSDT, giúp các đơn vị duy trì các hoạt động ngoại khóa cho các em. Đồng thời giúp HSDT thêm yêu Tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo, từ đó hiểu đúng, hiểu đầy đủ về ngôn ngữ này để bổ trợ cho các tiết học chính khóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HSDT thiểu số trên địa bàn. Hoạt động giao lưu còn giúp Phòng GD-ĐT huyện, các trường đánh giá đúng thực chất, khách quan quá trình rèn luyện, phấn đấu của giáo viên; phát huy, nhân rộng các điển hình, các mô hình dạy tốt môn Tiếng Việt ở các trường tiểu học có đông HSDT thiểu số. Đồng thời, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông”.

Các thí sinh hào hứng tham gia phần thi “Trò chơi dân gian”.

Khép lại buổi giao lưu, Ban tổ chức đã trao giải Nhất phần thi “Tự giới thiệu” cho đơn vị thị trấn Gành Hào; 2 giải Nhì cho đơn vị xã Long Điền và Trường tiểu học Trần Văn Uông; 3 giải Ba cho xã Long Điền Đông A, An Phúc và Định Thành. Đồng thời, trao thưởng cho các đội thi đạt thành tích tốt trong phần thi “Trò chơi dân gian”.

Tin rằng, những ấn tượng, dư vị đẹp từ buổi giao lưu sẽ góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong HSDT thiểu số, giáo viên, người dân trên địa bàn trong việc chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.