Giáo dục - Học Đường

Giải tỏa áp lực thi cử cho học sinh lớp 12

Thứ Sáu, 17/05/2024 | 16:09

Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh (HS) lớp 12 cùng lúc phải đối diện với những áp lực vô hình đến từ nhiều phía. Những áp lực ấy không chỉ đến từ việc ôn tập, thi thử, điểm số, mà còn là sự kỳ vọng của gia đình về tương lai sau 12 năm đèn sách của các em. Nếu không biết cách để cân bằng, hài hòa giữa ôn tập và thư giãn sẽ khiến các em dễ mất phương hướng, động lực trong ôn luyện chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp.

Các em học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Bạc Liêu chia sẻ thông tin về kỳ thi để giải tỏa áp lực.

Kỳ vọng càng lớn áp lực càng cao

Mặc dù theo sát khung chương trình ôn tập tại trường, dành nhiều thời gian tự luyện tại nhà, nhưng khi bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, rất nhiều HS khối 12 vẫn cho rằng bản thân chưa đủ tự tin, thậm chí có phần áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề.

Một HS lớp 12 ở TP. Bạc Liêu bộc bạch rằng: “Để chuẩn bị cho kỳ thi lớn của đời mình, không chỉ riêng em mà hầu hết các bạn 2k6 luôn trong thế sẵn sàng từ việc ôn thi, tự luyện, chuẩn bị tốt về kiến thức, sức khỏe, tâm lý… Nhưng dù có tự tin cách mấy, cũng có đôi lúc chúng em không tránh khỏi những bất an, “khủng hoảng” tâm lý bởi áp lực từ phía gia đình, xã hội. Chúng em sợ mình ôn không đủ tốt, sợ mình thiếu thời gian, sợ bản thân thất bại… Có lúc, bản thân không biết phải bắt đầu từ đâu; cảm thấy lúng túng khi gặp những câu hỏi khó; sợ bản thân có ôn kỹ cũng không đỗ như mong muốn vì kém may khi làm bài…”.

Bị ảnh hưởng bởi xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh ngày nay, việc con trượt đại học được xem là một thất bại lớn. Do đó, trong hầu hết các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp, phụ huynh luôn đặt kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả thật cao, sẽ trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn, nên đôi lúc chẳng để tâm đến nguyện vọng, ước mơ của con em mình. Chính việc đặt kỳ vọng quá lớn vào con và hằng ngày cứ nhồi nhét vào các em những mong ước đã khiến các em lo lắng, bất an, mất tự tin, khó khăn trong việc tập trung ôn luyện.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc học tập không phải lúc nào cũng thuận lợi, đạt kết quả như bản thân, gia đình đã vạch ra. Nên thay vì chỉ trích, tạo áp lực cho HS thì phụ huynh nên gần gũi, quan tâm, động viên con em mình trong những giai đoạn “đặc biệt” như lúc này. Hãy sử dụng từ ngữ nhẹ nhàng, đầy yêu thương để giúp con thêm tự tin, an tâm ôn tập. Thay vì làm người “chỉ huy” thì phụ huynh hãy là bạn đồng hành khuyến khích con theo đuổi đam mê, cùng con xây dựng kế hoạch ôn thi một cách khoa học để tránh cho con bị “quá tải”. Cũng không nên so sánh con mình với con người khác, mà hãy dạy con các kỹ năng quản lý cảm xúc, buông bỏ suy nghĩ tiêu cực, hạn chế sử dụng Internet, mạng xã hội vào việc đọc quá nhiều thông tin về thi cử, tỷ lệ chọi… để tránh những áp lực không đáng có.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP. Bạc Liêu) trong giờ ôn tập môn Toán. Ảnh: Đ.K.C

Chăm sóc sát sao những “tâm hồn nhạy cảm”

Kỳ thi cuối cấp THPT chính là một “phép thử” để bước qua ngưỡng cửa đến trưởng thành. Tuy nhiên, nếu HS không biết cách cân bằng, điều chỉnh thì thời gian dài có thể ảnh hưởng đến kết quả ôn tập, sức khỏe. Đã có không ít trường hợp HS bị ngất xỉu trong lúc ôn thi, hoặc gần đến ngày thi thì đổ bệnh vì không chú trọng đến dinh dưỡng, sức khỏe và thường xuyên để bản thân bị xì-trét…

Để giảm áp lực tâm lý cho HS, trong giai đoạn ôn thi nước rút, phụ huynh và nhà trường nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng việc động viên, chia sẻ khó khăn mà HS đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện. Qua đó, sớm nhận ra những vấn đề tâm lý đang tồn tại để có biện pháp tác động, can thiệp một cách kịp thời. Ông Trần Quang Điện - Phó Hiệu trưởng phụ trách quản lý, điều hành Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long), cho biết: “Song song với việc đảm bảo tốt kế hoạch ôn thi, lãnh đạo, giáo viên trường còn đặc biệt quan tâm đến tâm lý, sức khỏe của HS, nhất là ở giai đoạn ôn thi nước rút. Chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời nắm bắt tâm lý, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà các em đang gặp phải để tháo gỡ kịp thời, không để HS cuối cấp phải chất chồng áp lực trước kỳ thi”.

Không chỉ vậy, khi HS lớp 12 “than” buồn, không quen với cảm giác vắng lặng của trường khi các em khối 10, 11 chuẩn bị nghỉ hè, lãnh đạo một trường THPT đã thuyết phục, điều chỉnh lại lịch học Giáo dục quốc phòng cho HS khối 11 lên sớm hơn để các em ra vào trường, tạo không khí vui vẻ cho HS cuối cấp phấn chấn ôn luyện.

Khi mỗi trường đều có cách chăm sóc đặc biệt cho những “tâm hồn dễ tổn thương”, thì phụ huynh cũng nên là hậu phương vững chắc để các em tiến về phía trước, thay vì thúc giục, đặt kỳ vọng cao và đòi hỏi quá sức… trong khi năng lực của con em mình có giới hạn. Đừng can thiệp quá sâu vào việc ôn luyện của con, hay tạo áp lực trong chọn trường, chọn nghề, mà phụ huynh nên dồn sức để quan tâm, chăm sóc con từng bữa ăn giấc ngủ, chú ý chế độ dinh dưỡng; khuyến khích con vận động thể thao để tăng cường thể lực, giảm căng thẳng và khuyên các em nên sắp xếp cân bằng giữa học tập, nghỉ ngơi để bản thân luôn trong trạng thái tràn đầy năng lượng.

Áp lực thi cử luôn là vấn đề muôn thuở trong xã hội hiện đại, bởi nó được ví như thước đo để đánh giá trình độ HS, cơ hội thăng tiến trong công việc, sự nghiệp. Thế nhưng, chúng ta không nên vì những áp lực ấy mà biến những ngày tháng tươi đẹp của học trò thành “cơn ác mộng”, mà hãy cùng nhau cởi trói những áp lực, giúp HS lớp 12 thoải mái, tự tin để chinh phục Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và chinh phục tương lai.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.