Giáo dục - Học Đường
Dừng dạy thêm trong nhà trường: Băn khoăn chuyện ôn luyện của học sinh cuối cấp
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực. Đây là vấn đề nóng đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều người đồng tình ủng hộ với những điểm mới. Tuy nhiên, Thông tư được áp dụng ngay trong học kỳ 2 năm học 2024 - 2025, thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 đang đến rất gần gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho giáo viên, học sinh cuối cấp và phụ huynh.
Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) nỗ lực hỗ trợ học sinh cuối cấp ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khi Thông tư 29 có hiệu lực. Ảnh: Đ.K.C
Nỗi phập phồng từ nhiều phía
Từ buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, chị Đỗ Khánh N. (Phường 2, TP. Bạc Liêu) có con đang học lớp 9 đã được giáo viên chủ nhiệm thông tin về việc trường sẽ dừng dạy thêm vào học kỳ 2. Điều này khiến tất cả phụ huynh trong lớp xôn xao và bày tỏ lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nếu trường dừng dạy thêm thì các học sinh biết học tập, ôn luyện như thế nào? Còn nếu đăng ký ôn, kèm cặp tại các trung tâm thì chi phí khá đắt đỏ, điều kiện một số gia đình không đủ sức để cho con theo ôn luyện. Chị N. bày tỏ: “Trong thời gian học chính khóa, các con học bài mới theo phân phối chương trình, hầu như không có thời gian nhiều để ôn tập, củng cố kiến thức đã học, càng không thể học nâng cao. Giờ học thêm buổi chiều (chéo buổi) chính là thời gian để thầy, trò cùng rà soát lại các nội dung quan trọng, rèn kỹ năng thì nay lại nghỉ. Quá lo lắng, tập thể lớp đã đề xuất với giáo viên chủ nhiệm sẽ tự nguyện viết đơn để thầy cô cuối cấp tiếp tục dạy thêm trong trường, giúp các con ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi nhưng giáo viên cho biết khi nào trường có quyết định cụ thể sẽ thông báo lại”.
Học sinh và phụ huynh khối 12 các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường khu vực nông thôn (chưa có các trung tâm dạy thêm) đang nhấp nhổm như “ngồi trên đống lửa” trước việc dừng dạy thêm trong trường học. Một học sinh lớp 12 ở huyện Hồng Dân lo lắng: “Đây là năm rất đặc biệt đối với thế hệ 2k7, khi chúng em là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với dạng đề mới, kiến thức mở rộng thoát ly sách giáo khoa và gắn với thực tế nhiều. Hiện tại đang là giai đoạn chạy đà để ôn thi tốt nghiệp, nếu nhà trường không dạy thêm thì em e rằng rất dễ “đứt mạch” kiến thức (do trước đó các trường đã tổ chức ôn luyện từ đầu năm) và chúng em không biết sẽ ôn tập, nâng cao kiến thức như thế nào để đảm bảo đậu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng”.
Trong thời điểm giao thoa như hiện nay, “chiếc phao cứu sinh” từ các lớp học thêm online, các trung tâm ôn thi được nhiều phụ huynh lựa chọn để giúp con em mình bồi dưỡng kiến thức. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp tối ưu vì chưa chắc các em đã phù hợp với các lớp học này. Hơn nữa, việc đột ngột thay đổi giáo viên trong giai đoạn nước rút ít nhiều khiến học sinh cuối cấp khó thích nghi với phương pháp truyền đạt. Đó là còn chưa kể khi tham gia các khóa học trực tuyến tại nhà thiếu sự giám sát của phụ huynh, học sinh sẽ dễ bị mạng xã hội cám dỗ, dễ sa đà vào trò chơi trực tuyến, phim ảnh…
Vừa nghe ngóng, vừa mong chờ hướng dẫn cụ thể
Giải pháp tình thế hiện nay mà các trường chọn lựa là dừng hẳn việc dạy thêm trong trường học để “nghe ngóng”, cũng như mong chờ được hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình chờ hướng dẫn từ UBND tỉnh, ngành hữu quan, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Thông tư 29 đến phụ huynh, học sinh cuối cấp nhằm ổn định tâm lý, trấn an dư luận. Đồng thời, các trường cũng điều chỉnh kế hoạch dạy học theo tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Văn Khiêm (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, xã Long Điền, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Trường đã quán triệt nội dung Thông tư 29 đến giáo viên, học sinh và phụ huynh; đồng thời rà soát để điều chỉnh lại kế hoạch giáo dục cho phù hợp. Qua ghi nhận cho thấy, phụ huynh và học sinh đã có sự đồng tình, ủng hộ nhất định. Thực tế thì việc phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ ôn thi cho học sinh cuối cấp có hoàn cảnh khó khăn không thu tiền được trường duy trì thực hiện từ nhiều năm qua, chứ không phải đến khi có Thông tư 29 mới áp dụng”.
Còn tại các trường THPT Ninh Quới, THPT Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) và nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, việc dạy phụ đạo để củng cố kiến thức, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà được thực hiện ở 3 khối lớp 10, 11 và 12 nhiều năm nay. Khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29, các trường đã đồng loạt dừng việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường để chờ thêm hướng dẫn cụ thể. Các trường cũng đã thay đổi, sắp xếp lại kế hoạch dạy học sao cho phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên cho học sinh khối 12. Ông Đặng Thành Lực - Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân), cho biết: “Trong thời gian chờ được duyệt kinh phí hỗ trợ tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp từ UBND tỉnh (theo đề nghị của Bộ GD-ĐT), trường đã rà soát, lập danh sách học sinh tiếp thu kiến thức chậm dựa trên kết quả kiểm tra cuối học kỳ 1, thi thử tốt nghiệp THPT do trường tổ chức để xây dựng kế hoạch dạy thêm không thu tiền. Trong giai đoạn này, giải pháp được nhiều thầy cô lựa chọn để hỗ trợ học sinh khối 12 là cho thêm bài tập về nhà, định hướng các em ôn luyện online và tự học tại nhà với các trang web uy tín…”.
Mặc dù việc áp dụng Thông tư 29 trong thời điểm học kỳ 2 đang gây ra nhiều nỗi lo đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh, cũng như gây xáo trộn kế hoạch giảng dạy, ôn luyện cho học sinh cuối cấp các trường, nhưng xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng thông tư này sẽ xóa sổ những bất cập trong dạy thêm, học thêm hiện nay.
Kim Trúc
Chị Trần Khánh Ngọc (Phường 8, TP. Bạc Liêu): Ngừng dạy thêm tạo không gian cho học sinh phát triển kỹ năng
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT có những quy định mới và siết chặt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường. Nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã thông báo dừng tổ chức dạy phụ đạo (chéo buổi - một hình thức dạy thêm, học thêm) trong trường cho học sinh ngay tuần đầu sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Tôi cũng được giáo viên chủ nhiệm của con thông báo nhà trường đang sắp xếp lại thời khóa biểu học phụ đạo, nên khi nào sắp xếp xong sẽ thông báo sau. Tôi cho rằng đây là giải pháp “án binh bất động” để chờ hướng dẫn cụ thể khi Thông tư 29 có hiệu lực. Ở học kỳ 1, con tôi học phụ đạo 2 môn Ngữ văn và Toán tại trường với thời lượng 2 tiết/tuần/môn học. Việc dừng này khiến tôi cảm thấy tiếc và khá lo lắng vì con sắp tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nhưng ngẫm lại, con sẽ có nhiều thời gian để học chính khóa, được nghỉ ngơi, phát triển kỹ năng và tập trung hơn cho các buổi ôn luyện tại trung tâm.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai): Cơ hội để phụ huynh, học sinh cân nhắc lại mục đích của việc học thêm
Hiện nay, một số phụ huynh mong muốn được lựa chọn giáo viên để gửi con học thêm, trong đó có cả giáo viên đang dạy con ở lớp chính khóa, nhưng Thông tư 29 không cho phép giáo viên dạy thêm với học sinh của mình đang dạy tại trường. Theo tôi quy định này rất hay nhằm hạn chế tình trạng giáo viên ép buộc, hoặc có những tác động để học sinh phải học thêm ngoài mong muốn. Và chính điểm mới này giúp phụ huynh, học sinh cởi bỏ được lo lắng, băn khoăn trong việc “phải học thêm đúng giáo viên trên lớp thì mới có điểm tốt”.
Nhân thay đổi quy định về dạy thêm, học thêm, các phụ huynh và học sinh cũng thay đổi suy nghĩ về mục đích “học thêm” một cách thực chất hơn. Nghĩa là hãy xem học thêm để rèn năng lực, kỹ năng chứ không phải chỉ nhằm đạt điểm tốt trong bài kiểm tra ở trường.
Thư Các (lược ghi)