Giáo dục - Học Đường

Dạy thêm, học thêm: Cần được giải quyết từ gốc

Thứ Tư, 24/05/2023 | 15:48

Học thêm và dạy thêm lâu nay được xem như một vấn nạn làm nhức nhối xã hội. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh. Có người cho rằng hiện nay việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, là quy luật cung - cầu hiển nhiên của hiện thực xã hội đã và đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày.

Phụ huynh muốn cho con đi học để nâng cao thành tích, giáo viên dạy thêm để có thêm thu nhập, để giảm bớt áp lực cơm - áo - gạo - tiền đè nặng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dạy thêm ngày càng méo mó và cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để “trị tận gốc”.

Áp lực của các kỳ thi cuối cấp khiến phụ huynh không an tâm nên phải tìm chỗ cho con học thêm để bổ sung kiến thức.

Có cấm được việc dạy thêm?

Chuyện dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề gì quá xa lạ đối với các phụ huynh hiện nay, nhất là đối với ngành Giáo dục. Vấn đề này nhiều năm qua đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”…

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 13/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 17 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 24/4/2023). Theo đó, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải thực hiện theo các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, các quy định của UBND cấp tỉnh cùng các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Trong đó, đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm…

Sẽ không có gì đáng nói nếu các giáo viên tổ chức dạy thêm trong khuôn khổ, được ngành chủ quản cho phép. Nghĩa là giáo viên tổ chức dạy thêm phải có đăng ký mở điểm dạy thêm, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về diện tích, bàn ghế, ánh sáng… theo đúng quy định. Song, tiếc rằng, những điểm dạy thêm như thế lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, vì muốn xin được cấp phép dạy thêm phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, nhiều điểm dạy “chui” lại nở rộ khiến nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc.

Một phụ huynh ở Phường 5 (TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Khi đưa con đến nơi học thêm, thấy chỗ học chật chội, mấy chục học sinh phải ngồi chen chúc nhau để học, ánh sáng thì lại không đủ… tôi rất lo lắng. Nhưng, nói thật, tôi không biết phải làm sao, vì đó là giáo viên chủ nhiệm của con tôi. Còn nếu không tham gia học lớp này, tôi sợ con không theo kịp các bạn và có thể khiến cô chủ nhiệm không hài lòng…”.

Đã từng có phụ huynh có con đang học lớp 9 phản ánh với chúng tôi, chỉ vì cả chồng và vợ bận việc cơ quan không thể đưa con đi học thêm môn Ngữ văn, còn cho con tự đạp xe đi thì không an tâm nên “vô tình” làm khổ con khi đến tiết Ngữ văn là y như rằng học sinh đó bị gọi lên trả bài. Ngoài ra, giáo viên này còn dùng nhiều lời lẽ không chuẩn mực để “cạnh khóe” với nữ sinh lớp 9 kia. Vấn đề chỉ “hạ nhiệt” khi vị phụ huynh tìm vào tận trường, phản ánh trực tiếp với Hiệu trưởng đơn vị.

Đó cũng là tình cảnh, là tâm lý chung của đa số phụ huynh có con đang theo học tại các điểm dạy thêm “không phép” này. Xuất phát từ tâm lý muốn con em mình có kết quả học tập tốt hơn và cả vì sợ bị giáo viên “đì” nên phụ huynh nào cũng có xu hướng cho con đi học thêm. Có cầu thì mới có cung, vì thế các điểm dạy thêm, học thêm cứ mọc lên như nấm sau mưa, ngành Giáo dục và nhà trường không sao kiểm soát được.

Một phụ huynh ngụ Phường 8 (TP. Bạc Liêu) có con đang học lớp 4 lại có quan điểm “thoáng hơn” khi cho rằng hiện nay đa số học sinh nói riêng, trẻ em nói chung đều bị “phụ thuộc” vào các thiết bị điện tử như: điện thoại thông minh, máy tính… nên việc tìm chỗ cho con đi học thêm cũng là một cách để “cai” điện thoại. Vấn đề nằm ở chỗ là ý thức của giáo viên và phụ huynh chứ không phải cứ quản lý không được thì lại cấm việc dạy thêm, học thêm vì các quy định hiện hành đã là rất chặt chẽ rồi. Suy cho cùng, việc dạy thêm, học thêm hiện nay đã trở thành nhu cầu của một số phụ huynh, học sinh. Vì thế cần có những giải pháp căn cơ từ nhiều phía để giải quyết chứ một mình ngành Giáo dục thì không thể làm gì hơn ngoài việc ngăn cấm giáo viên các trường công lập dạy thêm không đúng quy định.

Học sinh tiểu học dân tộc Khmer trên địa bàn TP. Bạc Liêu giao lưu tiếng Việt. Ảnh minh họa: C.K

Cần có giải pháp căn cơ từ gốc

Ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX, các phòng GD-ĐT… triển khai thực hiện nghiêm việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Trong đó, chỉ đạo quyết liệt “nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm”. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm và học thêm vẫn diễn ra dù các quy định là rất chặt chẽ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề dạy thêm, học thêm, Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu, cho biết: “Theo quy định, giáo viên nào muốn dạy thêm ngoài nhà trường thì phải làm đơn xin phép, nếu đủ các điều kiện thì sẽ được ngành Giáo dục cấp phép. Hiện tại, không có giáo viên nào của trường xin phép mở điểm dạy thêm. Còn chuyện họ có dạy thêm ở ngoài mà không xin phép thì nhà trường không quản lý được”. Đa số các trường khi được đề cập vấn đề trên đều có chung câu trả lời như thế. Chuyện giáo viên tổ chức dạy thêm ở nhà hoặc mướn địa điểm dạy thêm gần trường thì học sinh và phụ huynh nào cũng biết, chỉ có Ban giám hiệu các trường là “không nắm rõ”?!

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đã có chỉ đạo nghiêm cấm nhưng vẫn có nhiều giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Các giáo viên tổ chức những lớp dạy thêm với hàng chục học sinh mỗi lớp, tuần dạy nhiều lớp. Vi phạm này diễn ra ở tất cả các khối lớp, nghiêm trọng nhất là ở các khu vực đông dân cư, khu vực thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, có trường hợp các nhà dân lân cận điểm dạy thêm không cho phụ huynh đậu xe trước nhà mình để đưa, rước con vì lớp dạy thêm quá đông!

Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, ngành Giáo dục đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng trên thì rất khó.

Chuyện dạy thêm, học thêm giờ đây đã trở thành “căn bệnh khó trị”. Nhiều phụ huynh phải “bóp bụng” cho con mình học thêm vì không muốn con “mất điểm” trong mắt các thầy cô. Thời điểm các kỳ thi cuối năm, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp… càng đến gần thì cũng là lúc mùa dạy thêm, học thêm càng nở rộ. Chỉ khổ cho học sinh, không còn thời gian để vui chơi, giải trí vì thời gian học đã kín lịch.

Theo chúng tôi, để quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả thì trước tiên cần thay đổi phương pháp dạy học, thi cử cũng như cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên. Vì khi nào chưa giải quyết được những bất cập cốt lõi của nền giáo dục như chương trình quá nặng, dàn trải; lương giáo viên không đủ sống, buộc họ phải bươn chải… thì việc dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục là một thách thức, rất khó chấn chỉnh bằng những mệnh lệnh có tính chất hành chính.

Suy cho cùng, vấn đề dạy thêm một phần nào đó xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Vì vậy, cần nhìn thẳng vào vấn đề để giải quyết thấu đáo, triệt để, tận gốc.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.