Giáo dục - Học Đường

Dạy - học trực tuyến: Cần sự nỗ lực nhiều hơn của thầy và trò

Thứ Sáu, 17/09/2021 | 15:46

Sau 2 tuần triển khai dạy - học trực tuyến cho học sinh (HS) THCS, THPT, chạy thử các phần mềm kết nối để tạo lớp học đối với HS tiểu học, dù đã có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” xảy ra, nhưng thầy và trò các trường đã dần thích nghi với cách dạy - học mới. Song, để đạt hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi thầy và trò các trường cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Buổi học online tại nhà của một HS lớp 6 (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

CHẬT VẬT KẾT NỐI, TƯƠNG TÁC

Nhằm chuẩn bị cho việc dạy - học trực tuyến đối với HS THCS, THPT, từ cuối tháng 8/2021, các trường đã lên phương án lựa chọn những phần mềm thông dụng, đa tính năng, dễ kết nối nhất để tạo những lớp học ảo. Trong đó, các phần mềm hỗ trợ học trực tuyến được ưu tiên là Google Meet, Zoom, Microsoft Teams, Zavi… Song, vì lo lắng các phần mềm miễn phí này không phát huy tốt việc hỗ trợ dạy - học trực tuyến, nên một số trường đã mời các nhà mạng như: LMS của MobiFone và K12 online của Viettel để chạy thử nghiệm trong 2 tuần. Theo đó, giáo viên các trường đã có 2 buổi tập huấn với các nhà mạng và đi đến thống nhất chọn lựa K12 online vì có nhiều tính năng, dễ sử dụng, lại tiện lợi. Sau đó, các trường đã triển khai đồng bộ cho HS toàn trường, cấp tài khoản riêng cho từng em.

“Nghe con trai đang học lớp 6 háo hức khoe trường con chuẩn bị áp dụng phần mềm mới hỗ trợ học trực tuyến là K12 online với rất nhiều tính năng, tôi cũng nóng lòng xem hiệu quả của phần mềm này đến đâu. Nhưng sau 2 ngày thấy thầy và trò cùng loay hoay, đường truyền thì kém, âm thanh đứt quãng, đã vậy còn xảy ra nhiều sự cố khi cả lớp cùng tương tác, thậm chí con tôi còn bị “out” khỏi lớp khi lớp học đang diễn ra, khiến tôi thật sự lo lắng”, chị T.T (Phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ. Thế là sau 2 ngày sử dụng, các trường đồng loạt ngưng sử dụng phần mềm này, chuyển sang phương án sử dụng Google Meet và ổn định cho đến nay.

Việc tạo lớp học ảo để kết nối, vận hành thử nghiệm của bậc tiểu học cũng không thuận lợi là mấy khi giáo viên chủ nhiệm các lớp bắt đầu tạo nhóm Zalo riêng cho phụ huynh từng lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn cặn kẽ việc tải phần mềm Zavi, cũng như cách tạo tài khoản cho HS để đăng nhập. Không chỉ vậy, để vận hành thử nghiệm kiểm tra đường truyền, các tính năng của Zavi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/4, Trường tiểu học Kim Đồng (TP. Bạc Liêu) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với phụ huynh để thông báo một số nội dung quan trọng, chuẩn bị cho việc học trực tuyến của HS vào ngày 20/9 tới. Tuy nhiên, khi kết nối, tương tác với nhau thì đường truyền lại không ổn định, hiệu ứng truyền dẫn kém và rất khó để nghe được tiếng của nhau. Vậy là giáo viên và học sinh lại chuyển sang phương án sử dụng Google Meet.

ĐỔI CHIẾN THUẬT ĐỂ ĐẠT HIỆU QUẢ

Ngoài những khó khăn trong việc chọn lựa phần mềm dạy - học trực tuyến, trước đó lãnh đạo Sở GD-KH&CN đã có một cuộc họp qua mạng với các trường để dự đoán những khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy - học mới này. Trong đó, đặc biệt lưu ý các trường cân nhắc thời khóa biểu học tập của HS, nhất là HS từ lớp 6 - 9. Hãy thử tưởng tượng cảnh những đứa trẻ thường ngày hay chạy nhảy, nô đùa sau những tiết học, giờ phải bó gối ngồi một chỗ học trực tuyến suốt 3 - 4 giờ đồng hồ thì sẽ khổ sở, áp lực đến nhường nào. Đó là chưa kể, những em không có điều kiện, phải học trực tuyến bằng điện thoại (không phải điện thoại “xịn”) thì không có điện thoại nào có thể cầm pin lâu đến vậy, vừa học vừa sạc pin điện thoại sẽ rất nguy hiểm.

Cuộc họp diễn ra không lâu thì sau đó xảy ra câu chuyện thương tâm của một HS lớp 5 ở Hà Nội, em bị điện giật tử vong tại nhà khi đang học online. Điều này bắt buộc các trường phải mau chóng thay đổi chiến thuật để việc học online sao cho thật an toàn, hiệu quả. Thế là sau một tuần dạy - học thử nghiệm, lãnh đạo và hội đồng sư phạm các trường đã ngồi lại bàn bạc phương án thay đổi thời khóa biểu.

Ông Dương Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ tuần dạy - học đầu tiên, trường đã xây dựng thời khóa biểu mới để đảm bảo một buổi học không quá 2 tiết, có thể học 2 buổi/ngày để HS có thêm thời gian học, nghỉ ngơi một cách phù hợp. Trường cũng linh hoạt sắp xếp cho HS không học 2 tiết liên tục/môn, mà bố trí để các em học 1 tiết rồi nghỉ giải lao sau đó vào học tiếp, bởi việc nhìn màn hình quá lâu sẽ để lại nhiều hệ lụy cho mắt. Hơn nữa, việc dừng nghỉ cũng là thời gian để máy móc nghỉ ngơi, tiện cho việc nạp thêm pin vào thiết bị. Hiện tại thầy và trò nhà trường rất yên tâm bởi sự thay đổi này được phụ huynh rất đồng tình”.

Không chỉ vậy, để tạo sự công bằng trong việc học trực tuyến cho tất cả HS, các trường đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ của toàn xã hội để trang bị thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho HS có hoàn cảnh khó khăn, trong lúc chờ Chính phủ hỗ trợ từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trước mắt, các trường đã tranh thủ gửi thư ngỏ vận động máy vi tính, laptop, điện thoại kết nối Internet… đã qua sử dụng để hỗ trợ tạm thời, giải quyết bài toán tình thế trước mắt.

Việc dạy - học trực tuyến sẽ còn kéo dài nếu như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thế nên, song song với việc thay đổi “chiến thuật” trong sắp xếp thời khóa biểu, thay đổi phương pháp dạy - học để thu hút HS, tăng sự kết nối, tương tác của thầy và trò thì ngành Giáo dục, các trường cũng cần tính đến phương án lựa chọn một phần mềm đồng nhất, phù hợp để hỗ trợ đắc lực cho việc kiểm tra, đánh giá HS trong quá trình dạy - học trực tuyến.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.