Giáo dục - Học Đường

Dạy học mùa dịch: Hành trình thấu hiểu và sẻ chia

Thứ Sáu, 29/10/2021 | 16:21

Để có thể duy trì tốt việc dạy - học trực tuyến trong mùa dịch là cả sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò các bậc học trong suốt thời gian qua, tuy nhiên áp lực vô hình của nó cũng không hề nhỏ. Bởi vậy, đây là thời điểm mà cả thầy lẫn trò cần phải thấu hiểu, tương tác với nhau và sự quan tâm, sẻ chia từ đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, phụ huynh chính là “liều thuốc tinh thần” để họ vượt qua mọi trở ngại, giữ nhịp ổn định cho hoạt động dạy - học trong tình hình mới.

Trắng đêm thiết kế bài giảng để học trò dễ hiểu

Nhận thức rõ việc dạy - học trực tuyến không thể bê nguyên xi giáo án của lớp học trực tiếp sang, vì thế cô Nguyễn Kiều Thẩm (giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) luôn trăn trở, tìm mọi cách để có bài giảng sinh động, hấp dẫn nhất với học sinh qua những tiết học trên Google Meet. Cô Thẩm cho biết: “Với môn Toán, việc truyền đạt kiến thức đến học trò trực tiếp trên lớp đã khó, nay công việc ấy càng khó hơn gấp nhiều lần khi phải dạy bằng hình thức trực tuyến. Lo lắng học trò bắt nhịp chậm, không theo kịp hoặc không nắm được những phần kiến thức trọng tâm, nền tảng dẫn đến rất khó để nắm được những phần kiến thức liên quan sau này, nên có nhiều đêm tôi gần như thức trắng để tham khảo những bài giảng từ các đồng nghiệp qua mạng, đặt mình vào vị trí của học trò khi soạn giáo án… Từ đó xây dựng nên bài giảng dễ hiểu nhất có thể”.

Có thể nói, áp lực không chỉ đến từ việc thiết kế những bài giảng trực tuyến làm sao để lôi cuốn học trò, mà áp lực còn đến từ việc chưa làm chủ được công nghệ của nhiều giáo viên lớn tuổi. Nhưng với kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy và sự cảm thông từ lãnh đạo trường, sự hỗ trợ tích cực của những đồng nghiệp trẻ tuổi, dần dà các thầy cô cũng cởi bỏ được những áp lực vô hình, tự tin làm chủ những lớp học trực tuyến chỉ sau gần 2 tuần được đồng nghiệp hỗ trợ. Nhiều thầy cô còn tự mày mò, nghiên cứu qua mạng để xây dựng những bài giảng giàu hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, kết hợp các video, kỹ xảo đa dạng để thu hút học trò. Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên các trường học đã sử dụng thành thạo các hệ thống lớp học trực tuyến với khả năng giảng dạy, quản lý lớp tốt, đảm bảo các giờ dạy có hiệu quả. Quan trọng là thầy cô không còn áp lực và lúng túng khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy - học.

Trong hành trình sẻ chia những áp lực ấy, các gia đình, phụ huynh, học sinh cũng luôn đồng hành cùng giáo viên việc chuẩn bị thật tốt không gian, thiết bị, môi trường học tập cho con em để việc học tập được phát huy hiệu quả. Phụ huynh còn đóng vai trò giám sát, đôn đốc con em trong việc tương tác với giáo viên, thường xuyên kết nối để nắm bắt tình hình học tập trên lớp học trực tuyến, cũng như những phần việc được giao tại nhà. Nhờ việc phối hợp tốt ấy mà giáo viên phần nào cũng vơi đi áp lực.

Một buổi học trực tuyến của học sinh lớp 6 ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Tín

Những lớp học của yêu thương

Chị Trần Thanh Hoa (Phường 7, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Đâu chỉ truyền đạt kiến thức, giữ nhịp học tập cho học sinh trong mùa dịch, mà giáo viên còn góp phần động viên, khích lệ học sinh cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tôi đã khóc khi nghe cô giáo của con gái động viên cả lớp: “Các con cố gắng học cho tốt nghen! Cô thương và mong được gặp các con ở trường từng ngày. Sẽ không lâu nữa đâu cô trò ta sẽ được gặp nhau trên lớp. Khi ấy cô sẽ có quà để tặng riêng cho từng bạn! Bạn nào muốn nhận quà của cô thì phải học giỏi, phải chăm ngoan và cố gắng tự học tại nhà nha các con!”.

Chị Ngọc Thảo (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) kể lại: “Trong buổi học trực tuyến cách đây khoảng 2 tuần, trong lớp có 2 học sinh không mặc đồng phục như yêu cầu của cô, rồi đang học có 2 em khác bị “out” khỏi lớp, dù rất tức giận nhưng cô giáo chỉ nhắc nhở các học sinh còn lại không được vi phạm. Sau khi lớp học kết thúc, cô đã trực tiếp liên hệ với các gia đình, tìm hiểu nguyên nhân thì biết được do các bé đang được gửi ở quê cho ông bà, không mang theo đồng phục, đường truyền lại kém… Vậy là ngay buổi học sau, cô đã trực tiếp gửi lời xin lỗi các bạn nhỏ. Hành động của cô khiến tôi xúc động, chính những lời yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia chân thành đã góp phần tạo nên những lớp học hạnh phúc trong mùa dịch”.

Ngoài việc phối hợp với gia đình, phụ huynh theo dõi sát sao hoạt động học tập của học sinh, động viên các em nỗ lực học tập trong từng giờ lên lớp trực tuyến, các trường còn thành lập đội phản ứng nhanh, phối hợp với các Tổ COVID cộng đồng để tìm cách hỗ trợ, gửi bài học đến với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến.

Hành trình dạy - học trực tuyến chắc chắn sẽ còn kéo dài bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Song song với việc tạo kho học liệu mở để các giáo viên cùng tương tác trong công việc, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thì các trường cần chú trọng việc xây dựng các lớp học hạnh phúc trực tuyến với các tiêu chí của trường học hạnh phúc như: duy trì bầu không khí học tập ấm áp, thân thiện, quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia… Để rồi trong những lớp học ấy, áp lực, căng thẳng đều tan biến, chỉ còn lại tiếng cười, sự hào hứng chiếm lĩnh trong tâm trí của thầy và trò.

Thư Các

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.