Giáo dục - Học Đường

Đầu tư cho nghề giáo - đầu tư cho tương lai

Thứ Sáu, 18/11/2022 | 15:59

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, trọng việc học, bởi vậy vai trò của người thầy đã trở nên tôn quý từ hàng ngàn năm qua. Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, nhưng đạo lý “tôn sư trọng đạo” vẫn sừng sững như bức tượng đài bất chấp thời gian. Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường thời mở cửa hội nhập, đời sống người thầy phải đối diện với nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân, thu hút, khơi dậy nhiệt huyết cống hiến trong họ.

Tiết học tiếng Việt của cô trò Trường tiểu học Vĩnh Thịnh A (huyện Hòa Bình). Ảnh minh họa: Đ.K.C

Những cống hiến không thể đếm, đo

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong gần một thế kỷ qua, các thế hệ nhà giáo Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục; không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn…

Nhờ những cố gắng đó, giáo dục nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng phấn khởi. Đến nay trên 99% người dân trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta vượt trên mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh thi Olympic quốc tế và châu Á đều đạt thứ hạng cao. Giáo dục đại học thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tự chủ đại học đạt kết quả tốt và đang được mở rộng; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đại học đứng trong tốp 500 thế giới; có nhiều trường đại học Việt Nam đứng trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới…

Hòa trong xu thế ấy, ngành Giáo dục - đào tạo Bạc Liêu cũng gặt nhiều kết quả đáng khích lệ trong sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp; duy trì ổn định và đạt mức cao chất lượng giáo dục phổ thông; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý từng bước được chuẩn hóa; lần đầu tiên có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022… Để có được kết quả ấy phải kể đến sự đóng góp không thể đong, đếm của đội ngũ nhà giáo đầy tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì ngành, vì nghề. Những cống hiến ấy đã được Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng ghi nhận trong buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022): “Trong thời gian qua, toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên (GV), viên chức ngành Giáo dục đã nỗ lực góp phần tạo ra sự phát triển toàn diện cho giáo dục tỉnh nhà. Các thầy cô giáo đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, luôn làm việc hết mình và tâm huyết vì học sinh thân yêu để trang bị cho các thế hệ học sinh kiến thức, vốn sống và truyền cảm hứng, niềm tin cho các em…”.

Chế độ thỏa đáng để khơi dậy nhiệt huyết của nhà giáo

Cống hiến tuy thầm lặng nhưng đầy nhiệt huyết cho ngành, cho học sinh thân yêu là vậy nhưng hiện nay đồng lương viên chức vẫn không thể giúp người thầy sống thoải mái với nghề. Chúng ta không thể cứ kêu gào thầy cô hãy trở lại trường, cố gắng bám trụ lấy nghề, cống hiến cả tuổi trẻ, nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục khi mà cuộc sống “cơm áo gạo tiền” của người thầy mãi chẳng được cải thiện. Và chắc chắn nhiều thầy cô giáo phải lựa chọn giữa công việc mức thu nhập cao và thấp; giữa môi trường công lập lương thấp, nhiều áp lực với môi trường dân lập thu nhập tốt hơn, đãi ngộ cao hơn để lo được cho gia đình, con cái của họ…

Một khi mưu sinh đã trở thành gánh nặng, “xiềng xích cơm áo” cứ mãi trói buộc thì rất khó để cải thiện tình trạng GV bỏ việc và thiếu GV trầm trọng như hiện nay. Thế nên, ngay từ bây giờ chúng ta phải có cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ người thầy một cách thỏa đáng; giúp họ khắc phục “yếu điểm” để tận tâm tận lực cho nghề. Cần giúp người thầy gỡ bỏ mọi áp lực của căn bệnh thành tích, để người được cống hiến cho nghề bằng lương tâm, đạo đức và được cả xã hội tôn trọng.

Không chỉ vậy, để có thể kích thích, khơi dậy nhiệt huyết cống hiến, thu hút người tài “đầu quân” cho ngành thì cần hơn nữa chính sách đãi ngộ từ lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm GV, sắp xếp lại nguồn nhân lực cao ở từng vùng miền, khu vực để tạo nên môi trường sư phạm minh bạch - nơi mà người thầy được suy tôn, trọng dụng đúng với thực tài của mình.

Nghề giáo là nghề cao quý và hiển nhiên phải luôn được cả xã hội quan tâm, trân trọng. Bởi vậy việc đầu tư cho nghề giáo chính là đang đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển của đất nước.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.