Giáo dục - Học Đường
Chủ động lựa chọn nghề nghiệp tương lai
Tương lai của học sinh là do chính mỗi người quyết định thông qua việc chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều học sinh thiếu lập trường trong việc lựa chọn ngành nghề, dẫn đến những kết cục không như mong đợi…
Cần có một lập trường
Việc yêu thích một ngành nghề nào đó sẽ góp phần rất lớn trong việc giúp học sinh định hướng phấn đấu, nỗ lực trau dồi tri thức để theo đuổi kỳ được mơ ước mà mình đã vạch sẵn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mỗi người cần phải tỉnh táo để đánh giá một cách chính xác năng lực, sở trường của bản thân trước nghề nghiệp tương lai mà mình theo đuổi. Chẳng hạn, với chiều cao “khiêm tốn” bạn không nên có suy nghĩ theo đuổi nghề người mẫu; với học lực trung bình bạn không nên mộng cao tương lai sẽ trở thành bác sĩ… Đó là những ước mơ vượt xa tầm với và nếu cứ quyết tâm theo đuổi bạn sẽ đánh mất cả tuổi xuân cho những mơ mộng hão huyền!
![]() |
Học sinh Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình) bày tỏ những băn khoăn trong việc chọn trường thi, ngành học phù hợp tại buổi tư vấn hướng nghiệp do trường tổ chức. Ảnh: T.L |
Và nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi “cái tôi” của bản thân thật sự trỗi dậy. Bạn Trần Thanh N. (TP. Bạc Liêu) là một điển hình. Sau khi mất 2 năm để luyện thi vào ngành Y theo nguyện vọng của gia đình, N. đỗ vào Trường đại học Y dược Cần Thơ. Nhưng khi theo học hơn 1 năm, N. mới nhận ra mình không phù hợp với ngành học này. Rất trầy trật và khổ sở để vượt qua từng học phần, cuối cùng N. đã quyết định bỏ học và làm lại từ đầu…
Tự tin theo đuổi ước mơ
Trong khi bạn bè chung lớp hướng tầm ngắm đến những ngôi trường danh tiếng của cả nước với ước vọng sẽ trở thành những kỹ sư, bác sĩ, luật sư, cử nhân… tương lai thì Lê Hoàng K. (Trường THPT Gành Hào) lại tự bằng lòng với ước mơ sẽ trở thành bếp trưởng để được thỏa sức chế biến những món ăn ngon phục vụ thực khách. Bởi K. biết rằng với lực học và sở thích hiện tại của mình thì đây là một nghề nghiệp mà K. dễ dàng theo đuổi. Vấp phải khá nhiều phản đối từ phía gia đình với lý do là con trai lại đam mê “nữ công gia chánh”. Ba là kỹ sư nuôi tôm thì con trai trưởng như K. phải nối nghiệp gia đình, nấu nướng cực khổ mà thu nhập chẳng đáng là bao thì sau này làm sao đảm đương vai trò trụ cột gia đình… Nhưng với đam mê và quyết tâm của mình, cuối cùng K. cũng thuyết phục được ba mẹ.
Là con gái nhưng Nguyễn Ngọc H. (huyện Hồng Dân) lại mơ ước trở thành kỹ sư điện - nghề mà nhiều người cho rằng chỉ phù hợp với nam giới, và hiển nhiên H. vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. “Tại sao có nhiều ngành nghề nữ tính để chọn lựa mà con cứ nhất quyết thi vào ngành Điện?”, đó là câu cửa miệng của ba mẹ em mỗi lần nhắc đến chuyện chọn ngành nghề. “Những lúc ấy em chỉ cười trừ và bảo rằng thời gian sẽ trả lời cho quyết định tương lai của con”, H. chia sẻ.
Trước những thay đổi mới theo hướng có lợi cho sĩ tử trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, sĩ tử càng có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường, năng lực của mình. Nghĩa là khi biết được điểm số chính thức, các em mới bắt tay đăng ký hồ sơ vào trường và ngành học yêu thích tương xứng với điểm số đạt được. Điều này sẽ giúp học sinh có sự chọn lựa phù hợp với thực tế, không mộng cao để rồi phải “hụt hẫng” với những chuyên ngành vượt xa tầm với.
Hãy chủ động, tự tin, sáng suốt và kiên quyết giữ vững lập trường trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình các bạn nhé!
KIM TRÚC
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8