Giáo dục - Học Đường
Buồn vui nghề giáo
Bất kỳ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng có những niềm vui, nỗi buồn riêng và nghề giáo cũng không ngoại lệ. Đó là những nỗi buồn khiến người thầy đôi lúc muốn từ bỏ đam mê, nhưng cũng có những niềm vui bất tận tiếp thêm động lực để họ tiếp tục yêu nghề mến trẻ. Với những “kỹ sư tâm hồn” ấy, dẫu có cơ hội được chọn lại họ vẫn một dạ khăng khăng cống hiến cho nghề cao quý!
Học sinh Trường THPT Bạc Liêu tặng hoa cho cô nhân ngày 20/11. Ảnh: P.T.C
Những câu chuyện lòng…
Hạnh ngộ và yêu nhau nơi giảng đường đại học, ra trường rồi kết hôn, cô giáo trẻ T.V (quê tỉnh Đồng Tháp) quyết chí theo chồng về huyện Đông Hải - Bạc Liêu lập nghiệp. Là giáo viên trẻ, những ngày đầu đứng lớp, vừa giảng dạy, vừa phụ trách công tác chủ nhiệm, nhiều lần cô đã khóc vì những “chiêu trò” của học sinh lớp 12 mà mình đảm nhiệm. Cô vẫn còn nhớ như in tháng đầu tiên sau khi ổn định lớp, sáng đó xe cô bị hư nên vào lớp khá muộn nhưng lạ một điều, cái lớp thường ngày nghịch “như quỷ sứ” nay lại yên ắng đến lạ! Đâu chỉ vậy, nhiều ánh mắt “tinh quái” cứ dán vào bàn giáo viên. Cô ngồi xuống ghế, chuẩn bị bài giảng nhưng chỉ vài phút sau cả người ngứa ngáy khó chịu và bắt đầu gãi không ngừng. Một số bạn nam cười phá lên vì khoái trá, trong khi các bạn nữ lo lắng chạy lên dìu cô ra khỏi lớp và bảo rằng các bạn nam đã trét mắt mèo (một loài trái gây ngứa) lên bàn và ghế của cô… Chưa hết, một bữa nọ, cô thò tay vào ngăn bàn giáo viên để lấy bông bảng như mọi khi, nhưng bông bảng đâu chẳng thấy chỉ thấy vài chú chuột con còn đỏ hỏn trong ngăn bàn. Vốn dĩ sợ chuột nên cô suýt ngất xỉu với trò đùa tai hại này… Vậy mà, khi cô quyết định làm đơn xin chuyển trường vì không chịu nổi áp lực thì “tụi nó” lại òa khóc như đám trẻ con và nhất quyết xin cô cho chúng cơ hội để chuộc lỗi. Và rồi các em cũng hối lỗi thật…
Áp lực công việc, thành tích, chỉ tiêu, sự phó mặc con em cho giáo viên chủ nhiệm, nhà trường; sự đùn đẩy trách nhiệm giáo dục con cái của một số phụ huynh, thu nhập bấp bênh không đảm bảo cuộc sống… cũng khiến nhiều giáo viên “nao núng” với nghề. Thậm chí, nhiều người đã không trụ nổi và tìm cơ hội với nghề nghiệp mới.
Nhiều thầy cô trẻ khi quyết tâm về công tác ở vùng sâu, vùng xa còn vấp phải sự phản đối của người thân, gia đình, thậm chí chấp nhận đổ vỡ hạnh phúc lứa đôi cũng bởi tình thương học trò quá lớn.
Nhiều thầy cô còn cảm thấy buồn, bất lực vì bản thân mình không đủ sức để có thể bảo bọc cho tất thẩy học trò nghèo. Để rồi, kết cục phải chứng kiến cảnh học trò bỏ học giữa chừng, dù lực học khá giỏi!
Hạnh phúc với nghề cao quý
Dẫu vậy, nghề giáo cũng có lắm chuyện vui! Khi còn công tác tại Trường THCS Nguyễn Trung Trực (xã An Trạch, huyện Đông Hải), cô Nguyễn Kiều Thẩm (nay là giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) luôn sống trong tình yêu thương của đồng nghiệp, học trò và cả phụ huynh ở địa phương này. Khi thì mớ cá phi, vài cọng rau, khi thì con tép, mấy trái mướp… mà học trò, phụ huynh gửi tặng cũng khiến cô cảm thấy ấm lòng trong những ngày tháng sống xa gia đình, giúp cô có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục cống hiến cho nghề cao quý!
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chứng kiến bao lớp học trò ra trường rồi thành đạt, cô Kim Dung (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) cảm thấy mãn nguyện vì mình cũng đóng góp một phần vào sự thành công của các thế hệ học trò. Học trò của cô có người là kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, công an; người công tác tại tòa án, viện kiểm sát… nhưng hàng năm mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là ngày 20/11, dù công việc có bận rộn đến mấy vẫn tranh thủ thời gian về thăm cô, tri ân “người mẹ hiền” thứ hai đã giúp họ công toại danh thành. “Hãy đối đãi tử tế, dùng sự bao dung của người thầy và tình yêu thương chân thành của những người cha người mẹ thật sự để chở che, bảo bọc học trò. Hãy cứ cho đi rồi bạn sẽ nhận lại thật nhiều, vì tình thương sẽ vun đắp tình thương và nhân đôi những nụ cười, hạnh phúc”, đó là phương châm sống và bám trụ với nghề mà cô Kim Dung tâm đắc.
Ngày lễ trọng đang đến gần, học trò các bậc học trên địa bàn tỉnh đang hòa mình vào các hoạt động tri ân thầy cô. Nhưng có lẽ, với các thầy cô, món quà ý nghĩa nhất vẫn là sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện, sự trưởng thành, chín chắn từng ngày của những học trò thân yêu.
KIM TRÚC
-
Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giỏi cấp tỉnh lần III, năm học 2024 - 2025: Nâng cao bản lĩnh cho các giáo viên làm Tổng phụ trách
-
10 năm Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu: Phát triển, hiệu quả và uy tín!
-
TP. Bạc Liêu: Hoàn thành Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2024 - 2025
- THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT VỀ LỄ QUỐC TANG NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG
- Báo và Đài PT-TH Bạc Liêu: Trao 3 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn xã Vĩnh Trạch Đông
- Bộ Công an bàn giao 700 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở của tỉnh Bạc Liêu
- Phát hiện nhiều công trình, nhà ở xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê
- Khẩn trương, chủ động ứng phó dịch COVID-19