Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025
Người kể chuyện quê hương bằng hạt muối
Hơn 40 ngày đêm làm việc cật lực, dành tất cả tâm huyết và thời gian cho “đứa con tinh thần” để trưng bày tại Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 (gọi tắt là Festival), anh Hồ Chí Ân (xã Long Điền, huyện Đông Hải) vô cùng xúc động và hài lòng với tác phẩm làm hoàn toàn từ hạt muối của quê hương mình.
Anh Hồ Chí Ân bên tác phẩm cây đờn kìm bằng muối cao hơn 4m.
“Muối là nguyên liệu khó kết dính và dễ phản ứng với môi trường, gặp ẩm thì tan, gặp nắng lại kết tinh. Tôi đã thử hàng chục cách, từ keo thông thường đến những hóa chất đặc biệt, nhưng đều thất bại. Nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng rồi mỗi đêm trằn trọc, tôi lại thấy hình ảnh những diêm dân đang cần cù trên ruộng muối, nghe những câu chuyện về những bậc cha chú yêu muối, cũng như yêu đờn ca tài tử (ĐCTT) cả một đời, đó chính là động lực để tôi không bỏ cuộc”, anh Ân cho biết.
Đứng trên bục giảng gần 20 năm nhưng lại chọn nghề điêu khắc để lưu giữ những giá trị truyền thống, cựu giáo viên môn Mỹ thuật đã gửi gắm nhiều tình cảm và hàm ý vào từng chi tiết của tác phẩm này. Anh Ân chia sẻ, mỗi chi tiết của cây đờn kìm đều mang ý nghĩa riêng. Từng đường cong mềm mại của thân đờn, đến những cung đàn uyển chuyển nối từ đỉnh những ụ muối đến đỉnh của cây đờn đều được chế tác tỉ mỉ để nhằm thể hiện dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, nghề làm muối, cũng như nghệ thuật ĐCTT vẫn ngày ngày được người Bạc Liêu nỗ lực bảo tồn và sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Trên nền muối trắng, hình ảnh những lá cờ Tổ quốc tung bay cùng dòng chữ “100 năm nghề muối - Đời người” như một lời nhắn nhủ về sự bền bỉ, kiên cường của người làm muối. Khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm này, anh Ân không chỉ muốn tạo ra một công trình nghệ thuật đơn thuần mà còn muốn gửi gắm vào đó tinh thần và tình yêu quê hương. Chính vì vậy, mỗi chi tiết, mỗi kết cấu trong cây đờn kìm đều mang theo tâm tư, khát vọng của người làm muối về một tương lai tươi sáng hơn.
Tác phẩm này không chỉ là niềm tự hào của cá nhân anh Ân mà còn là biểu tượng đại diện cho Bạc Liêu nói chung và huyện Đông Hải nói riêng. Anh mong muốn du khách từ khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm tại Festival sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của 2 di sản văn hóa: Nghề làm muối truyền thống và Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, cũng như tình đất, tình người chân chất của Bạc Liêu. Festival sẽ là dịp để cây đờn kìm bằng muối ra mắt công chúng, không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, nó còn là lời tri ân, là tiếng lòng của người con Bạc Liêu gửi đến quê hương, đến những người đã giữ “lửa” cho nghề muối và nghệ thuật ĐCTT từ bao đời nay.
Bài, ảnh: BÙI TUYẾT