Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát huy thế mạnh văn hóa Bạc Liêu khi sáp nhập tỉnh

Thứ Hai, 05/05/2025 | 16:13

Dự kiến hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu sẽ sáp nhập mang tên tỉnh Cà Mau, trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Cà Mau. Đảng bộ tỉnh Cà Mau mới sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới với nhiệm vụ là xây dựng một nghị quyết phát triển khai thác hết tiềm năng lợi thế của Cà Mau và Bạc Liêu. Và tất nhiên nghị quyết sẽ định dạng các mô hình phát triển cho tỉnh mới Cà Mau.

Bạc Liêu là vùng đất có lý lịch khai phá hơn 300 năm, quá trình ấy nhiều thứ đã kết tinh thành văn hóa. Bạc Liêu có 55 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, Nhà nước công nhận, trong đó 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận và một di sản quốc gia là Nghề làm muối, Bạc Liêu còn có 5 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận. Cùng với đó là 70 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang kiểm kê trong giai đoạn 2021 - 2025 và 28 công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh; 12 điểm du lịch văn hóa tiêu biểu, nhiều so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhắc đến Bạc Liêu là người ta nhớ đến ngay bài Dạ cổ hoài lang, vọng cổ và bác Sáu Lầu, quê hương của chiếc nôi Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ; nhớ ngay đến Công tử Bạc Liêu...

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ảnh: T.L

Văn hóa là bảo vật vì nó có sức mạnh của một vùng đất trong vận động phát triển. Tư duy lý luận gần đây nhất của Đảng ta là “văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực trực tiếp của phát triển”. Ở Bạc Liêu có một thực tiễn vô cùng sinh động minh họa cho tư duy này. Khi cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội 13 (nhiệm kỳ 2010 - 2015) của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có chủ trương huy động văn hóa làm nguồn lực cho phát triển. Trong 5 năm ấy, Bạc Liêu đã tìm sâu tận gốc rễ hồn cốt tinh hoa trong quá khứ, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước mà xây dựng nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, như Nhà hát Cao Văn Lầu (hay còn gọi là Nhà hát Ba nón lá) mới vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn là công trình tiêu biểu 50 năm thống nhất đất nước; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi); di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh. Rồi làm bia, tượng, sửa chữa các di tích, làm rõ các giá trị văn hóa phi vật thể… để làm nền tảng xây dựng con người, sức hút cho Bạc Liêu. Trong 5 năm đó Bạc Liêu đã khắc đậm hơn hình ảnh một vùng đất giàu văn hóa, giàu bản sắc và tâm hồn Bạc Liêu; từ đó thu hút đầu tư nhiều, kinh tế du lịch phát triển, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng tăng.

Để cho khách quan tôi xin liệt kê vài nhận xét của những người am hiểu và có trách nhiệm về văn hóa. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, trong chuyến khảo sát địa điểm tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - năm 2014 đã nói: “Thực tiễn phát triển văn hóa ở Bạc Liêu rất sinh động, mới mẻ cần phải được tổng kết như một hình mẫu”.

Sau đó, ông Hoàng Anh Tuấn - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL từ năm 2007 - 2016, đã nói: “Thực tiễn phát triển văn hóa ở Bạc Liêu đã làm phong phú, sinh động thêm thực tiễn xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc…”.

Viện dẫn điều trên để chứng minh rằng Bạc Liêu là một vùng đất có tiềm năng văn hóa vô cùng to lớn mà không phải ở đâu cũng có được. Đó là thế mạnh đặc biệt của Bạc Liêu và cũng sẽ là thế mạnh của tỉnh mới khi Cà Mau, Bạc Liêu hợp nhất. Cho nên trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải nhận diện đầy đủ nguồn lực này để nó được phát huy tốt hơn trong không gian phát triển mới. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - Nguyễn Mạnh Hùng trong một bài tham luận gửi cho Hội thảo khoa học do Bạc Liêu tổ chức cách đây ít ngày có nêu: “Chiến lược và văn hóa thì cái nào quyết định cái nào? Chắc hẳn là văn hóa. Nhà tư tưởng quản trị có ảnh hưởng của thế kỷ XX - Peter Drucker nói: Văn hóa xơi tái chiến lược trong một bữa sáng”.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một chiến lược phát triển mà dựa trên văn hóa thì chắc sẽ thành công, một chiến lược không dựa trên văn hóa thì thường thất bại. Các thứ khác thì có thể học nhau được nhưng văn hóa thì khác biệt và không thể học nhau. Chiến lược phát triển của một quốc gia hay một địa phương, một doanh nghiệp đều phải dựa trên sự khác biệt tạo ra lợi thế cạnh tranh. Văn hóa tạo ra sự khác biệt bền vững và vì thế, tạo ra sự phát triển bền vững. Bác Hồ nói, sự phát triển phải có tính dân tộc - đó là sự khác biệt văn hóa.

Bạc Liêu phát triển dựa trên sự khác biệt văn hóa là sự phát triển bền vững, là con đường tạo ra giá trị dài hạn. Đờn ca tài tử (bản sắc nghệ thuật, tâm hồn sâu sắc, sự lãng mạn), tính cách người Nam Bộ (rộng rãi, hào hiệp, cởi mở, chơi tới nơi nhưng cũng làm tới nơi), tinh thần khai mở của đất phương Nam là “dấu vân tay” của người Bạc Liêu, là sức mạnh nội sinh, nuôi dưỡng bản lĩnh và định hình con đường riêng của Bạc Liêu trong thời đại mới. Không có gì quý giá hơn là sự phát triển và giữ được bản sắc văn hóa của xứ mình. Ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kết luận về văn hóa Bạc Liêu, vấn đề còn lại là thiết kế mô hình phát triển trên cái nền văn hóa đặc biệt ấy.

Chúng ta đều biết văn hóa được sinh ra từ một cộng đồng có tên gọi. Tên gọi ấy ăn sâu bám rễ trong văn hóa và trong tâm thức cộng đồng. Nếu lấy “râu ông này cắm cằm bà kia” thì văn hóa mai một, lụi tàn. Khi đó bản sắc vùng đất sẽ mất và mất bản sắc thì sẽ dễ bị đồng hóa.

Chính vì thế tôi xin kiến nghị sau sáp nhập, tỉnh Cà Mau mới sẽ có chính sách để gìn giữ, phát huy văn hóa Bạc Liêu với những thế mạnh vốn có. Có thể hình thành các trung tâm kinh tế, chính trị… ở tỉnh mới sáp nhập, và nên chăng hình thành trung tâm văn hóa Bạc Liêu.

 Nếu Bạc Liêu được xác định là một trung tâm văn hóa của tỉnh mới, chúng ta sẽ giữ được phong độ, sức hút đầu tư, sức thu hút du lịch và điều quan trọng là giữ gìn bản sắc, thế mạnh văn hóa là nguồn lực của tỉnh mới. Đồng thời cũng giữ được dư địa, không gian phát triển mới cho một khu vực mà dân số có đến 1 triệu người. Cái không thể không lưu ý nữa là chúng ta sẽ khai thác được hạ tầng dôi dư ra khi sáp nhập tỉnh. Trên cơ sở xác định trung tâm, chúng ta sẽ thiết kế mô hình phát triển, ví dụ mô hình phát triển du lịch văn hóa tâm linh kết nối với du lịch sinh thái, tự nhiên của Cà Mau…

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.