Du lịch
Phát triển du lịch từ ẩm thực
Hội chợ thương mại - du lịch năm 2017 (một trong những hoạt động trong Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ) đã khép lại. Qua đó cũng gợi mở nhiều vấn đề trong việc khai thác các thế mạnh về văn hóa phục vụ phát triển du lịch sao cho hiệu quả. Trong đó, văn hóa ẩm thực vốn được coi là đặc thù và phản ánh sinh động đời sống, tinh thần của đồng bào Khmer nói riêng, các dân tộc anh em nói chung…
Độc đáo các món ngon
Có một điều rất dễ nhận thấy ở Hội chợ thương mại - du lịch năm nay là các gian hàng khai thác ẩm thực luôn đông khách. Đặc biệt là các gian hàng trình diễn, bày bán và giới thiệu các món ngon dân gian của đồng bào dân tộc. Đến với hội chợ, bên cạnh các món bánh thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer như: bánh gừng, bánh ống, cốm dẹp… còn có sự tham gia của các món ngon khác như: lạp xưởng bò của đồng bào Chăm ở An Giang, bánh pía, lạp xưởng mai quế lộ của người Hoa ở Sóc Trăng và nhiều món bánh dân gian khác của người Kinh cũng được bày bán tại đây như: bánh khọt, bánh bèo, bánh tằm lá mơ…
Sở dĩ các gian hàng này luôn đông khách là vì ngoài được thưởng thức các món ngon được coi là đặc sản của các dân tộc, thực khách còn được đắm mình trong không gian văn hóa, trải nghiệm và thưởng thức văn hóa thông qua các món ngon. Đặc biệt là khách có thể tham gia một công đoạn chế biến món ăn như: chiên bánh gừng, hấp bánh ống… Ông Danh Trum đến từ Trà Vinh - một trong những du khách tham gia Ngày hội VH-TT&DL tại tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tham gia ngày hội, tôi và gia đình rất ấn tượng với các món bánh dân gian. Các món bánh này ít được bày bán và gợi rất nhiều về kỷ niệm tuổi thơ. Tôi tin du khách sẽ rất thích thú nếu như các khu du lịch xây dựng được các gian hàng bán bánh dân gian của đồng bào các dân tộc”.
Có lẽ nắm bắt được tâm tư này mà Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã xây dựng điểm bán bánh dân gian Nam bộ với nhiều món ngon, và đây là một trong những gian hàng thu hút đông thực khách nhất tại hội chợ lần này. Việc làm này không chỉ gợi nên ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều người, mà còn được coi là một trong những hình thức góp phần quảng bá du lịch Bạc Liêu.
Gian hàng bánh dân gian của Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu tại Hội chợ thương mại - du lịch năm 2017. Ảnh: L.D
Cần khai thác các đặc sản
Tại Hội chợ thương mại - du lịch lần này, ngoài các món ngon từ các tỉnh bạn và gian hàng ẩm thực của Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu, thì các đặc sản dân gian từ các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu lại khá nghèo nàn. Ngay cả địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn thiếu vắng các món ăn dân gian của cộng đồng người Hoa. Trong khi đó, đây được coi là địa phương có nhiều người Hoa sinh sống và gắn với câu ca “dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Mặt khác, khai thác và chế biến các món ngon vốn là thế mạnh của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu.
Phản ánh bất cập này để thấy rằng, việc khai thác văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch lâu nay vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Trong khi đó, bài học kinh nghiệm và thành công từ nhiều quốc gia phát triển mạnh về du lịch cho thấy, ẩm thực là nguồn thu chính từ phát triển dịch vụ và cũng là con đường ngắn nhất để quảng bá, truyền tải và giữ gìn bản sắc văn hóa. Bởi mỗi món ăn đều gắn chặt với lịch sử, văn hóa và phản ánh đời sống tinh thần phong phú của các dân tộc. Như món cốm dẹp của đồng bào Khmer được coi là “bánh thiêng” gắn với những mong ước, khát khao hạnh phúc của con người trong lễ Oóc-om-bóc, hoặc món bánh đào tiên của người Hoa với mong muốn được trường thọ, hạnh phúc…
Từ các món ngon đã phản ánh sinh động văn hóa truyền thống của các dân tộc, thiết nghĩ việc tăng cường đầu tư và tổ chức các lễ hội để bảo tồn và phát huy thế mạnh này cho phát triển du lịch - dịch vụ cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Lư Dũng
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước