Du lịch
Mấy suy nghĩ về tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch
Vừa qua, tôi có dịp dẫn đoàn cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (đến công tác tại tỉnh Bạc Liêu) đi tham quan một số điểm du lịch của địa phương. Qua khám phá một số điểm tham quan, đoàn đã có những trải nghiệm đầy thú vị về tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, đoàn cũng có những ý kiến nhận xét chân tình để chúng ta hoàn thiện tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch.
NHIỀU ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG TỰ HÀO
PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, cùng tháp tùng là các tiến sĩ, giảng viên của Học viện, đối với đa số thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên họ đến Bạc Liêu. Cho nên, đây là dịp để đoàn “mục sở thị” những địa danh đã từng nghe qua lời truyền, sách vở, rằng đây là xứ sở của vị Công tử Bạc Liêu, nơi đã cho ra đời bản Dạ cổ hoài lang (DCHL), cũng là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Cảm nhận đầu tiên của đoàn là tỉnh Bạc Liêu có rất nhiều địa danh, điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là tính cách phóng khoáng, hiếu khách, chân tình, cầu thị mà đoàn đã từng được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng khi đề cập đến đất và người Bạc Liêu. Cho nên, các thành viên của đoàn đã đến với Bạc Liêu bằng cả sự hồ hởi pha lẫn cảm giác muốn khám phá những tố chất đặc biệt ở vùng đất lần đầu tiên mình đặt chân đến!
Do quỹ thời gian hạn hẹp, đoàn chỉ đến tham quan một số điểm như cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (gọi tắt là khu lưu niệm ĐCTT), Điện gió Bạc Liêu và chùa Khmer Xiêm Cán. Theo đánh giá của đoàn, tất cả đều là những điểm du lịch độc đáo. Trong đó, có một số địa điểm tính đến thời điểm này có thể nói là “có một không hai” trên bản đồ du lịch Việt Nam (như cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm ĐCTT). Nét độc đáo và hấp dẫn của những địa chỉ du lịch này chính là nét đẹp văn hóa Bạc Liêu, đúng như tên gọi “điểm hẹn văn hóa” của nét riêng du lịch Bạc Liêu trong sự độc đáo chung của tua du lịch “Một điểm đến, bốn địa phương +” của khu vực ĐBSCL! Chỉ tìm hiểu về quá trình ra đời bản DCHL cũng như con đường để “khúc nhạc lòng” bất hủ này phát triển thành vọng cổ, họ đã được khám phá những nét đẹp trong tính cách người Bạc Liêu, những người sống trọng tình nghĩa, đạo lý và cũng là những nghệ sĩ vô cùng tài hoa, mang óc sáng tạo để lại cho đời những tinh hoa nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nói chung. Tương tự như vậy, một ngôi chùa cổ kính mà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng, điểm du lịch độc đáo của tỉnh Bạc Liêu - chùa Khmer Xiêm Cán, đoàn cho rằng, đó là điểm du lịch đáng tự hào của Bạc Liêu...
Đoàn cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T |
Tuy nhiên, về cung cách phục vụ du lịch, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm cho rằng: cần phát huy hơn nữa tính chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch. Chẳng hạn, khi giới thiệu về khu lưu niệm ĐCTT, du khách không chỉ muốn được nghe thuyết minh về nơi này, mà còn muốn thưởng thức những bản ĐCTT, nhất là bản DCHL; không nhất thiết là sự trình diễn quy mô của cả đội ĐCTT, mà chỉ cần giọng ca, tiếng đờn thu sẵn rồi phát kèm với lời dẫn chương trình, khi đó ta sẽ tạo được một không gian văn hóa ĐCTT rất hay.
Thật vậy, qua nhiều dịp tôi tháp tùng cùng các đoàn khách Trung ương, các tỉnh bạn đến tham quan khu lưu niệm ĐCTT, khi đến nơi này, thay vì được nghe đôi ba bản đờn tài tử, hay bản DCHL hoặc là các bản vọng cổ, trích đoạn cải lương vang bóng một thời thì các đoàn đến chỉ được nghe lời thuyết minh “trơn” của thuyết minh viên. Khi đoàn yêu cầu được nghe bản DCHL, hôm đó, một cô thuyết minh viên đã cho nghe giọng hát của cô kèm theo bản đờn được thu sẵn trong điện thoại, nên âm thanh nghe tiếng được tiếng mất. Sự nhiệt tình của hướng dẫn viên là điều đáng ghi nhận nhưng xét về tính chuyên nghiệp, thì sự phục vụ đó chưa đạt. Các thành viên đi cùng đoàn so sánh rằng: khi giới thiệu về ca trù, ca Huế ở các địa phương miền Bắc, miền Trung, họ luôn đặt du khách trong không gian đúng bản sắc của ca trù, ca Huế rồi mới quảng bá giới thiệu; ĐCTT của Nam bộ cũng nên làm như vậy.
Tại điểm chùa Khmer Xiêm Cán, đoàn được nghe một vị sư trong chùa thuyết minh về lịch sử cũng như những nét độc đáo của ngôi chùa. Tuy nhiên, do không thạo tiếng Việt nên việc cung cấp thông tin cần thiết cho đoàn cũng gặp khó khăn. Thiết nghĩ, với những đoàn khách ngoại giao (không phải khách du lịch đơn thuần) rất cần những người am hiểu tinh tường về lịch sử - văn hóa của các điểm du lịch. Đội ngũ này không nhất thiết là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, mà chỉ cần có hiểu biết sâu rộng về các điểm du lịch đó và cả nghệ thuật giao tiếp để có thể phúc đáp những thông tin cần thiết khi khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu để mở mang kiến thức lịch sử - văn hóa của địa phương qua một điểm du lịch.
Các điểm du lịch Bạc Liêu đã và đang từng bước khẳng định mình trên bản đồ du lịch Bạc Liêu, đó là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh tiềm năng, thế mạnh đang từng ngày được phát huy, thiết nghĩ phong cách phục vụ du lịch chuyên nghiệp cũng là yếu tố không kém phần quan trọng để quảng bá cho du lịch Bạc Liêu. Sự chuyên nghiệp đó không phải chỉ đòi hỏi ở đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch mà cả ở trình độ hiểu biết của người địa phương - những người trực tiếp đang gìn giữ những vốn quý về du lịch của địa phương mình trong việc giới thiệu những nét đẹp văn hóa của địa phương bằng chính cảm hứng, đam mê và sự hiểu biết.
QUỲNH ANH
- Ban CHQS TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng năm 2024
- Triển khai hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo tỉnh Bạc Liêu
- Hồng Dân: Phấn đấu chuyển hóa thành công huyện “Không có tệ nạn ma túy” vào cuối năm 2024
- Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chuyên canh chất lượng cao vào năm 2025
- “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”