Du lịch

Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu: “Bệ phóng” cho du lịch hội nhập và phát triển

Thứ Tư, 17/10/2018 | 16:13

Du lịch được tỉnh xác định là một trong 5 trụ cột tập trung chỉ đạo phát triển. Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng cũng là mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020). Tiềm năng, lợi thế đã sẵn có; chủ trương, đường hướng phát triển du lịch cũng được vạch ra trong nhiều năm nay. Thế nhưng, một tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương, ngành chức năng và nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân làm du lịch là thật sự cần thiết! Sự ra đời của Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh ngay trong bối cảnh này có thể ví như “bệ phóng” cho du lịch Bạc Liêu tiếp tục hội nhập và phát triển. 

Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trước đó, năm 2011, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”. Qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết, Bạc Liêu đã đạt một số kết quả rất quan trọng. Năm 2017, Bạc Liêu đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố. Bạc Liêu hiện có 8 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong vùng).

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. 

Tiềm năng, lợi thế đã sẵn sàng
Là tỉnh đồng bằng ven biển, bên cạnh lợi thế về phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy - hải sản, Bạc Liêu còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tỉnh có một số sản phẩm du lịch đặc trưng nếu khai thác đúng hướng chắc chắn sẽ khiến du khách muốn trải nghiệm. Đó là các giá trị văn hóa - lịch sử gắn liền với giai thoại về Công tử Bạc Liêu (hiện nay Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng đang thực hiện các thủ tục xin chủ trương đầu tư để nâng cấp và mở rộng); là cánh đồng điện gió nằm trên bãi bồi ven biển, nếu mở rộng thêm các dịch vụ phục vụ khách du lịch, chắc chắn sẽ thu hút du khách nhiều hơn; là nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) dù có mặt ở 21 tỉnh, thành Nam bộ, nhưng chỉ khi đến với Bạc Liêu, du khách mới được nhìn thấy một “bảo tàng” lưu giữ những tư liệu về loại hình nghệ thuật đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Bạc Liêu còn có hệ thống di tích gắn liền với những giá trị văn hóa - lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang của địa phương. Nếu đầu tư, khai thác thành các điểm du lịch bài bản thì rất có sức hấp dẫn du khách. Điển hình là di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (huyện Hồng Dân), Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (huyện Đông Hải)… Bên cạnh đó, tỉnh còn có lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh, như khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai), chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) với tượng Phật Bà lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Không gian du lịch sinh thái luôn là nơi người ta muốn tìm đến để trút bỏ mệt mỏi của cuộc sống tất bật. Khu vực ĐBSCL được giới chuyên môn đánh giá là vùng đất có dư địa để làm du lịch thì Bạc Liêu cũng sở hữu kha khá dư địa ở mảng du lịch này. Nếu Bạc Liêu có nhà đầu tư, biết cách để trải rộng không gian đó ra thì thừa sức hấp dẫn đón du khách. Ngoài khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, tỉnh còn có rất nhiều vườn chim tư nhân với nét hoang sơ, độc đáo đầy thi vị như: vườn chim Lập Điền ở huyện Đông Hải, vườn cò thiên nhiên ở huyện Phước Long. Những vườn chim, vườn cò tư nhân có diện tích lên đến hàng chục héc-ta chính là dư địa của du lịch. Là nơi mà du khách muốn trải nghiệm, khám phá, là “mỏ vàng” du lịch nếu được khai thác “đúng bài”.
Như trên đã nói, Bạc Liêu có lợi thế phát triển nông nghiệp. Cho nên, đứng trước xu hướng “phát triển mô hình du lịch nông nghiệp” - một định hướng quan trọng của du lịch vùng ĐBSCL - Bạc Liêu nếu “đi tắt đón đầu” thì sẽ rất nhiều cơ hội để đạt mục tiêu “Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng”. 

Cụm nhà Công tử Bạc Liêu đang được nhà đầu tư thực hiện kế hoạch nâng cấp, mở rộng để thu hút du khách. Ảnh: H.T

HHDL tỉnh - bệ phóng cho “trụ cột” du lịch
Việc thành lập HHDL tỉnh Bạc Liêu so với các tỉnh trong khu vực tuy chậm, nhưng cũng là thời điểm chín muồi để có địa phương có một tổ chức xã hội nghề nghiệp chính thức làm du lịch. HHDL được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn. Các thành viên sẽ hợp tác hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thành sức mạnh tổng hợp làm tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu trên thị trường khu vực, trong nước và tiến tới ra tầm quốc tế, góp phần để du lịch hội nhập và phát triển, là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chia sẻ thêm về vai trò của HHDL tỉnh, ông Trịnh Công Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu, Phó ban vận động thành lập HHDL tỉnh, cho biết: “Đây là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ du lịch, cùng nhau phấn đấu vì lợi ích của doanh nghiệp và sự  phát triển bền vững của ngành Du lịch Bạc Liêu. HHDL cũng sẽ là nơi tập hợp và nghiên cứu ý kiến hội viên về các chủ trương, chính sách và phản ánh, đề xuất với cơ quan nhà nước những vấn đề liên quan. HHDL còn là cầu nối hướng dẫn, tư vấn, cung cấp miễn phí thông tin về pháp lý, kinh tế, du lịch cho hội viên, tổ chức các loại hình huấn luyện đào tạo nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức và năng lực kinh doanh - dịch vụ du lịch một cách chuyên nghiệp mang sắc thái của người và đất Bạc Liêu. HHDL sẽ tạo điều kiện mở rộng kinh doanh cho các hội viên bằng các hoạt động khảo sát xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài nước; các hoạt động xúc tiến du lịch như tổ chức tham gia sự kiện triển lãm, hội chợ, hội thảo, hội nghị ở khu vực và trong  nước…”. 
Việc thành lập HHDL tỉnh trong bối cảnh du lịch Việt Nam được nhìn nhận đúng tầm quan trọng sẽ giúp du lịch tỉnh hội nhập và phát triển với du lịch vùng và cả nước. Nhận định về tầm quan trọng phải thành lập một tổ chức HHDL tại các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch HHDL Việt Nam, cho rằng: “HHDL sẽ là cầu nối để lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp được tiếp xúc với nhau một cách dễ dàng, khi đó sẽ thúc đẩy đầu tư. Bên cạnh đó, HHDL Việt Nam đã có những hiệp hội ngành nghề như hiệp hội khách sạn, hiệp hội lữ hành, hiệp hội đào tạo, hiệp hội ẩm thực… Sự gắn kết giữa hiệp hội chuyên ngành với các hiệp hội địa phương sẽ giúp các địa phương phát triển sản phẩm du lịch. Khi đã có sản phẩm du lịch thì tự nhiên người ta sẽ tìm đến”.
Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” nêu mục tiêu trong thời gian tới là: “Đến năm 2020, ngành Du lịch Bạc Liêu cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong những trung tâm du lịch của ĐBSCL và nằm trong tốp 5 tỉnh đứng đầu về du lịch của vùng”. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân phải đồng hành để bày ra cơ chế, hướng đi, giải pháp sát hợp nhất với tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình. HHDL tỉnh ra đời trong bối cảnh này, quả thật sẽ trở thành “bệ phóng” quan trọng. Bệ phóng ấy đẩy trụ cột du lịch lên tầm cao mới, hội nhập và phát triển như kỳ vọng, tất nhiên, đòi hỏi lòng đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm của cả tập thể và từng thành viên sát cánh cùng nhau. 
Cẩm Thúy 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.