Du lịch

CHỢ GẠO NỔI PHƯỚC LONG

Thứ Sáu, 09/08/2013 | 17:00

Chợ nổi là nét đẹp riêng của ĐBSCL. Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè, Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp... nổi tiếng từ lâu. Ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu hiện nay vẫn tồn tại chợ nổi với một nét đặc trưng riêng chỉ bán một mặt hàng chủ lực là lúa, gạo.

Theo ông Lâm Thành Sáo, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, chợ nổi Phước Long cũng hình thành cùng thời điểm với những chợ nổi của khu vực miền Tây lúc bấy giờ. Ngày trước, chợ nổi Phước Long mua bán sầm uất, với đủ loại các mặt hàng nông sản, trái cây phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Cùng với sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ, những mặt hàng ấy được di chuyển lên bờ. Bây giờ, chợ nổi Phước Long chỉ còn bán lúa, gạo, tấm cám.

Chợ nổi - nơi bán sản phẩm miệt vườn. Ảnh: T.L

Do nhu cầu phục vụ lưu thông đường thủy, chợ gạo nổi Phước Long được di dời nhiều lần và bây giờ chợ nổi này được họp nhóm trên đoạn sông gần trung tâm huyện. Đứng trên cầu Phước Long vào buổi sáng sớm, du khách sẽ chứng kiến cảnh mua bán trên sông với những chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ trên một khúc sông như một bức tranh thủy mặc yên bình của vùng sông nước quê hương.

Chợ nổi Phước Long nhóm từ tờ mờ sáng. Một ngày mới tại đây thường được bắt đầu từ các bà hàng xáo tụm năm, tụm bảy trên bờ sông. Họ vừa ăn cơm, vừa trao đổi với nhau về công việc thu mua lúa gạo trong ngày. Họ kể nhau nghe chuyện đời, chuyện làm ăn, kể cả những câu chuyện rất riêng tư… Có lẽ, đó là cách làm vơi nhẹ nỗi lo mua bán ít nhiều bất trắc. Chợ gạo nổi đầu mối Phước Long đông vui hơn với những lời mời gọi của những bạn hàng ghe: cháo, bún nước lèo, hủ tiếu, nước giải khát… Họ họp chợ đến khi trời sáng bửng thì những chiếc ghe mua hàng đổ về kênh, rạch nhỏ, những chiếc ghe lớn vẫn tiếp tục neo đậu chờ khách đến mua gạo.

Trên những chiếc ghe hàng bán lúa gạo thường là những cặp vợ chồng xuất thân từ nông dân. Sau mùa thu hoạch lúa, họ đi buôn chuyến để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Vợ chồng ông Dương Văn Quang (ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) gắn bó với chợ gạo trên sông Phươc Long này hơn 20 năm. Ông bà đã ngoài tuổi 60, nhưng vì mưu sinh và gắn bó với nghề buôn bán bồng bềnh trên sông nước, nên hết chuyến này, thì vợ chồng ông lại tiếp tục chuyến khác đến chợ gạo nổi Phước Long. Còn anh Hà Minh Tẳng (quê ở thị trấn Chợ Lồng, tỉnh Hậu Giang) thì mỗi khi nông nhàn là anh lại đi mua lúa gạo đến chợ gạo đầu mối này mua bán. Anh cho biết, mua bán trên sông nước cũng vất vả lắm, nhất là khi trời mưa to, gió lớn, nhưng đã làm nghề này rồi thì khó mà dứt ra được.

Lời ăn tiếng nói ở chợ gạo nổi này đậm tiếng quê xưa làm bâng khuâng lòng lữ khách. Những bạn hàng buôn bán lúa gạo xem nhau như bà con, lối xóm. Bởi chợ nổi này là chợ lúa, gạo đầu mối, những người mua bán thường đậu cố định có khi cả chục ngày để buôn bán, hết hàng mới lui ghe. Thời gian trong một năm họ ở trên sông nước nhiều hơn ở nhà trên đất liền.

Chợ gạo nổi Phước Long hình thành một cách tự phát. Do đó, cảnh sinh hoạt rất tự nhiên, đem lại cho du khách nhiều thú vị. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Bạc Liêu.

Thu Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.