Đồng hành cùng nhà nông
Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi: Có thương hiệu nhưng vẫn chưa vươn xa
Vào thời điểm này, nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch rộ lúa Tài nguyên, năng suất đạt 5,5 - 6 tấn/ha. Lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi (TNVL) và Một bụi đỏ Hồng Dân là hai loại đặc sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Tuy nhiên đến nay, gạo TNVL vẫn chưa được đóng gói bán vào hệ thống siêu thị cũng như trên thị trường. Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân xã Vĩnh Hưng A phơi lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ
Huyện Vĩnh Lợi có khoảng 9.000ha đất sản xuất lúa TNVL, chiếm trên 55% diện tích đất canh tác của huyện, tập trung ở các xã Hưng Thành, Hưng Hội, Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới, Châu Hưng A, Long Thạnh…
Năm nay, giá lúa TNVL khá cao. Hiện thương lái mua lúa tươi với giá 6.500 - 6.600 đồng/kg, lúa khô từ 7.600 - 7.700 đồng/kg. Ông Tô Văn Khôi (ấp Công Điền, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) có hơn 1,6ha đất sản xuất lúa TNVL. Năm nay năng suất lúa đạt khá cao - 55 giạ/công. Ông Khôi cho biết: “Với giá lúa từ 7.500 - 7.700 đồng, ước tính vụ lúa này tôi lãi gần 60 triệu đồng”. Hiện nay, nông dân huyện Vĩnh Lợi đã thu hoạch gần 2/3 diện tích lúa TNVL và đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa tiếp theo. Theo ông Trần Tân Tiến, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi: “Nông dân trong huyện đang thu hoạch rộ lúa TNVL. Dự kiến khoảng cuối tháng 2 là thu hoạch dứt điểm”.
TNVL là một loại gạo đặc sản, gạo dẻo, thơm, ngon cơm. Loại gạo này đã có chỗ đứng trên thị trường. Để quảng bá thương hiệu, giữ vững chất lượng gạo TNVL, mới đây, huyện Vĩnh Lợi kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL phục tráng giống lúa TNVL nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo. Huyện Vĩnh Lợi đã nhận lúa giống Tài nguyên nguyên chủng để sản xuất lúa giống nhằm đảm bảo đủ lúa giống cung cấp cho các hộ sản xuất lúa TNVL.
Nhờ chất lượng gạo TNVL ngon cơm nên một số thương lái tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang… xuống tận Bạc Liêu thu mua lúa TNVL để trộn với một số loại gạo thơm khác đem bán. Từ đó, gạo TNVL mang nhãn mác của một số loại gạo thơm khác. Để khắc phục tình trạng này, rất cần sự vào cuộc và hợp tác chặt chẽ của “4 nhà”.
Ông Huỳnh Văn Quậy, Chủ tịch Hội sản xuất gạo TNVL, cho rằng: “Từ khi thành lập đến nay, Hội sản xuất gạo TNVL vẫn chưa tổ chức họp các thành viên. Các thành viên vẫn tự mua, tự bán, chưa đóng gói gạo vào bao bì để bán trên thị trường. Nông dân thì sản xuất không theo quy trình, các nhà máy tự thu mua, không bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngành chức năng huyện cũng không có ý kiến trong việc thúc đẩy bao tiêu lúa và đưa sản phẩm gạo đóng gói bán ra thị trường…”.
Thiết nghĩ, xây dựng thương hiệu lúa TNVL là cả một chặng đường khó khăn. Vì vậy, để phát triển và khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường, ngành chức năng cần vào cuộc để hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất lúa; liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; xúc tiến việc chọn mẫu mã, bao bì, quy chuẩn đóng gói, chất lượng hạt gạo… Qua đó đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra thị trường, đưa sản phẩm vào các siêu thị, xuất khẩu. Như vậy, đời sống của những nông dân sản xuất lúa TNVL mới được nâng lên…
Minh Đạt
- Huyện Phước Long: Gần 300 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng chuyên môn
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3